PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh cho biết, ngay sau phiên họp của Chính phủ chiều 30/1, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) gây ra.
Các đội này được lập từ các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối của các thành phố lớn, ngoài ra, mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 đội cơ động. Kinh phí cho hoạt động của đội cơ động lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
45 đội phản ứng nhanh sẽ thực hiện theo điều lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV
Mỗi đội phản ứng nhanh gồm 1 lãnh đạo bệnh viện, 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 1 bác sĩ truyền nhiễm, 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn, 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm và lái xe.
Mỗi đội cơ động được trang bị: 1 xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn…
45 đội này có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; Thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thành lập đội thường trực chống dịch gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin và tổng hợp báo cáo và Tổ hậu cần do PGS.TS Lương Ngọc Khuê làm Đội trưởng.
Hiện tại, Bộ Y tế đã kết nối 21 bệnh viện và 4 bệnh viện tuyến trung ương để sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp dịch lan rộng, quá tải bệnh nhân.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona hiện đã lây nhiễm cho trên 8.000 người, cướp đi sinh mạng 170 người. Dịch đã lây lan đến 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính, trong đó có 3 công nhân người Việt trở về từ Trung Quốc, 32 trường hợp nghi ngờ khác đang được cách ly, theo dõi, điều trị và chờ kết quả xét nghiệm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, dịch nCoV rất có khả năng lan rộng vì cùng họ virus corona gây bệnh MERs, SARs, nhưng MERs và SARs có tỉ lệ tử vong lớn nên người bị bệnh đến viện ngay. Trong khi đó nCoV có tỉ lệ tử vong thấp nhưng biểu hiện nhẹ và giống với nhiều biểu hiện sốt, cúm khác nên người bệnh chủ quan, tự điều trị tại nhà, rất khó kiểm soát.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, thời gian ủ bệnh của virus corona chủng mới dao động từ 2-10 ngày, trước khi các triệu chứng như ho, sốt, khó thở và suy hô hấp xuất hiện. Khác với nhiều virus corona khác, nCoV có thể lây ngay trong giai đoạn ủ bệnh.
Thúy Hạnh
Bộ Y tế khuyến cáo phòng virus corona nên đeo khẩu trang y tế đúng cách
- Để phòng tránh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV), lựa chọn và đeo khẩu trang đúng cách được xem là một trong những biện pháp rất cần thiết.