- Chàng trai nặng 37kg đã rong ruổi đạp xe hơn 2.000km để đăng ký hiến sống một phần cơ thể mình.
Từ mong ước của bạn thân
Có mặt tại Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia, không ai nghĩ chàng trai bé nhỏ chưa đầy 1,5m như Trần Nguyễn An Khương (28 tuổi, Tân Lộc, Bình Thới, Cà Mau) lại có sức khoẻ phi thường đến thế.
Khương đã rong ruổi đạp xe 38 ngày ròng, xuất phát ngày 12/4 tại Cà Mau và đến Hà Nội vào đúng sinh nhật Bác 19/5.
“Đi hành trình dài nên em đã sụt mất 5kg, giờ chỉ còn vẻn vẹn 37kg nhưng thấy mình còn khoẻ hơn cả lúc trước”, Khương cười tươi khoe.
Chàng trai trẻ nhỏ bé bên “ngựa sắt” rong ruổi suốt 38 ngày qua. Ảnh. T.Hạnh |
Chàng trai gốc Cà Mau chia sẻ, động lực lớn nhất thôi thúc Khương xách xe lên và đi chính là từ tâm nguyện của người bạn thân trước khi mất.
Giọng trầm buồn, Khương kể, vào năm 2013 cậu bạn thân quê Đà Nẵng làm chung khách sạn đột ngột phát hiện suy thận giai đoạn cuối và lìa xa mãi mãi chỉ 2 tháng sau đó.
“2 tháng ấy, em thường lui tới thăm. Bác sĩ chỉ định ghép thận mới sống được nên bạn ấy luôn hy vọng ai đó sẽ hiến thận hoặc có phép màu nào đó có thể giúp bạn ấy khỏi bệnh vì nhà bạn cũng rất nghèo. Nhưng cuối cùng, không có phép màu nào cả...”, giọng Khương đứt quãng.
Những ngày vào viện, Khương cũng đã gặp rất nhiều trường hợp suy tạng mòn mỏi đợi người hiến nhưng đều ra đi trong vô vọng.
Từ một mẩu tin vô tình trên báo, tháng 4/2013, chàng thanh niên trẻ quyết định đến Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM hiến xác và tháng 8 cùng năm, tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đăng ký hiến đa tạng sau khi chết não với hy vọng cơ thể mình sau khi chết đi vẫn có thể cứu sống được ít nhất 7 người nữa.
“Khi cầm thẻ đăng ký hiến mô tạng về nhà, bố mẹ em rất sốc. Mẹ em chỉ khóc, còn ba không nói gì. Nhưng sau khi nghe em thuyết phục, ba mẹ cũng rất ủng hộ”, Khương chia sẻ.
Từ đây chàng thanh niên bắt đầu lên kế hoạch đạp xe xuyên Việt, mang theo thông điệp nhỏ về hiến ghép mô, tạng và quyết định đến Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia đăng ký hiến sống một phần lá gan và quả thận của mình cho những bệnh nhân kém may mắn (bản thân Khương cũng bị thấp khớp và vẹo cột sống).
3,7 triệu và 38 ngày
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, không có xe máy, ít ai biết để có tiền đạp xe xuyên Việt, Khương đã phải bươn chải làm công nhân nhiều tháng ròng. Số tiền tích luỹ được, Khương dành mua chiếc xe đạp 2,3 triệu đồng, còn lại 5,6 triệu đồng cầm theo làm lộ phí.
Ngoài chiếc xe, tất cả những gì có giá trị nhất Khương mang theo là một chiếc bếp cồn nhỏ để đun nước, nấu mỳ, 2 chiếc quần dài, vài ba cái áo thun, lều ngủ cùng 2 pano nhỏ 2 bên với thông điệp “Cho đi là còn mãi – Cùng chung tay vì sự sống”.
Trước khi lên đường, Khương cũng đã cẩn thận in sẵn thông tin về hiến ghép tạng cũng như địa chỉ chi tiết các cơ sở tiếp nhận để ai hỏi thì đưa.
“Cũng vì thế, trên hành trình em đã gặp không ít những ánh mắt dò xét của người đi đường, có người nói em “khùng” nhưng cũng có người rất ủng hộ, họ nói họ sẽ suy nghĩ việc hiến tạng và động viên em cố gắng đi tiếp. Em chỉ mong muốn có thật nhiều người biết để hành động giống mình”, Khương say sưa kể.
Khương quyết định đăng ký hiến sống một phần gan và một quả thận của mình cho những người kém may mắn. Ảnh: T.Hạnh |
Hàng ngày, Khương dậy từ 5h sáng để lên đường, tối tối xin dựng lều tại cây xăng ngủ, khi đói dừng lại nấu mỳ tôm, uống nước.
“Đều đều mỗi ngày em đi 100km, khi nào đổ đèo, lên dốc em lại xuống xe dắt bộ. Cả chặng đường đi băng băng không sao, khi vừa đến thủ đô thì xe lại tụt xích”, Khương cười tươi kể.
Sau 38 ngày, chàng trai trẻ đã vượt qua hành trình hơn 2.000km, đi qua 27 tỉnh thành với tổng chi phí 3,7 triệu đồng.
Khương cho biết, chiều nay sẽ tiếp tục đạp xe trở lại quê bạn thân tại Đà Nẵng để đấu giá từ thiện chiếc xe đạp em đang đi để ủng hộ các bệnh nhi ung thư. “Còn trở lại quê bằng gì em cũng chưa biết”, Khương thật thà nói.
Xúc động trước hành trình vô cùng ý nghĩa của chàng trai trẻ Trần Nguyễn An Khương, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia - PGS.TS Trịnh Hồng Sơn - cho biết, ông sẽ bỏ tiền túi để làm các xét nghiệm cho Khương.
“Ghép tạng có ý nghĩa cả thế giới biết, ai cũng nói nhưng không phải ai cũng làm được như bạn. Mỗi ngày tại BV Việt Đức (Hà Nội) trung bình có 2 người chết não, nhưng mỗi năm không được 1% trong số này đăng ký hiến tạng”, GS Sơn nói và cho biết việc Khương tình nguyện hiến một phần cơ thể rất đáng ghi nhận, còn việc có tiếp nhận hay không còn cần phụ thuộc vào sức khoẻ.
Thúy Hạnh