Vô số câu chuyện bên trong căn phòng
Khoa Thận Nhân tạo, BV Chợ Rẫy thành lập đến nay đã tròn 30 năm. Kể từ đó đến nay, căn phòng chạy thận của các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối chưa bao giờ tắt điện. Những bác sĩ, điều dưỡng mỗi ngày thay nhau 4 ca chạy thận, họ quần quật suốt 30 năm, không có ngày lễ tết.
Ban đầu Khoa thận nhân tạo chung với Khoa Ngoại tiết niệu, máy chạy thận phải xin từ nhiều nguồn tài trợ, máy móc thô sơ còn pha dung dịch bằng cách quay bằng tay. Đến nay Khoa đã có khoảng 65 máy chạy thận nhân tạo hiện đại chạy liên tục 23 giờ/ ngày, mỗi ca chạy thận 4 tiếng và luân phiên 5 ca liên tục mỗi ngày, bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến 3 giờ sáng hôm sau.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Phụng có thâm niên 18 năm chạy thận ở BV Chợ Rẫy cho biết, bà đều đặn 3 lần 1 tuần đến đây chạy thận, trải qua 3 đời trưởng khoa ở đây và quen mặt gần như hết 50 cô điều dưỡng, thuộc hết hoàn cảnh gia đình của từng người.
“18 năm nay, tôi thuộc từng mặt người, từng bác sĩ điều dưỡng. 18 năm tôi không rời căn phòng này là bởi đặt trọn niềm tin vào y đức của những bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. Sự tận tâm, sẻ chia tình cảm của họ khiến nơi đây như một gia đình lớn vậy, dù một số bệnh viện khác gần nhà có máy móc như nhau, song tôi cảm thấy không đâu bằng BV Chợ Rẫy”, bà Phụng tâm sự.
Chị Lý Thu Hạnh, 14 năm chạy thận là người may mắn nhất trong số bệnh nhân ở đây. Chị hay đùa với với những người bệnh rằng, đời chị 2 lần trúng độc đắc. Vào chạy thận chị Hạnh gặp được người mình thương để rồi thành duyên vợ chồng. Anh chị đã tìm được sự đồng cảm khi cả 2 cùng mang căn bệnh suy thận, họ quyết định về báo gia đình làm mâm cơm ra mắt họ hàng. Dù nắng dù mưa, họ cùng nhau chạy thận ở BV Chợ Rẫy.
Cách đây 6 tháng chồng chị được 1 người chết tim hiến tặng 1 quả thận để ghép. Chị Hạnh nửa đùa nửa thật: “Tưởng mình ế ai ngờ vô đây 'lượm' được ông chồng, rồi ngờ đâu có người tốt tặng chồng 1 quả thận, đời tôi chẳng khác nào trúng độc đắc 2 lần”.
Dành cả thanh xuân cho công việc chăm sóc bệnh nhân
Công việc của bác sĩ và điều dưỡng thường bắt đầu từ 4 giờ chiều cho đến 7 giờ sáng hôm sau. Một tua trực thường 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng, chăm sóc cho hơn 100 người bệnh. Hiện, Khoa thận Nhân tạo quản lý hồ sơ gần 500 bệnh nhân chạy thận định kì, mỗi ngày chạy 250 người.
Trong căn phòng ước chừng 100 m2, khoảng chừng 25 giường bệnh, cùng máy móc và các thùng dung dịch để chạy thận, các bác sĩ điều dưỡng phải liên tục theo dõi các chỉ số huyết áp, đường huyết bệnh nhân 30 phút/lần. Thời gian không ngưng nghỉ, sau khi truyền nước, đo huyết áp, lắp dây máy chạy thận, trên bàn làm việc của các bác sĩ lúc nào cũng chất chồng hồ sơ theo dõi bệnh của bệnh nhân.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Trần Đức đã làm việc tại đây từ lúc ra trường khi anh mới 20 tuổi, đến nay anh đã gần 50 tuổi. 28 năm làm việc hầu như anh đều đón Tết cùng bệnh nhân ở viện.
“Thời gian của mình ở viện nhiều hơn ở nhà, bệnh nhân có thâm niên chạy thận trên 10 năm ở đây rất nhiều, họ gần như rất thân thiết với bọn mình, hầu như ngày nào cũng gặp đùa giỡn với nhau, làm lâu không còn coi họ là bệnh nhân nữa, họ trở thành người thân của mình khi nào không biết”, điều dưỡng Đức tâm sự.
Ngồi bên đống hồ sơ trên bàn, điều dưỡng Võ Thị Thu Diễm thi thoảng vẫn cười đùa với đồng nghiệp, pha ít trò vui giữa không khí đặc mùi thuốc sát trùng. Tâm sự một hồi nhiều điều dưỡng ở đây cho biết, công việc miệt mài ở viện khiến họ không có thời gian lo cho hạnh phúc bản thân. Nhiều nhân viên lập gia đình rất muộn hoặc đến giờ họ vẫn chưa lập gia đình.
Chị Diễm nữ điều dưỡng ra trường rồi vào khoa Thận Nhân tạo lúc 22 tuổi đến nay 28 tuổi chị mới lập gia đình. “Suýt chút nữa ế chỏng rồi, hồi đó may sao quen chồng được 1 tháng nên dụ ổng cưới luôn (chồng chị cũng là điều dưỡng cùng khoa), giờ cũng được 2 mặt con với nhau”, chị Diễm vui vẻ chia sẻ.
Ngoài công tác chuyên môn, chị Diễm là nữ điều dưỡng có giọng ca hay nhất khoa. Chị đã từng làm ca sĩ 'bất đắc dĩ' lên truyền hình chỉ vì mong muốn kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho một cô bé chạy thận có hoàn cảnh khó khăn trong khoa.
Căn phòng sáng đèn được thắp bởi tấm lòng nhiệt huyết của gần 70 y, bác sĩ miệt mài suốt 30 năm. Họ đã dành thanh xuân, tuổi trẻ và cả trái tim yêu công việc để xoa dịu, an ủi những bệnh nhân không may suy thận giai đoạn cuối.
Phan Nhơn - Thanh Tùng