Chiều19/8, Bệnh viện Việt Đức công bố kỷ lục mới về hiến ghép tạng, khi chỉ trong vòng 1 tuần (12-18/8), BV thực hiện tới 16 ca ghép tạng từ nguồn hiến của 2 người cho chết não và người cho sống.
Trong đó, trường hợp nam thanh niên 20 tuổi ở Kim Thành, Hải Dương bị chết não do tai nạn giao thông đã hiến toàn bộ tim, phổi, gan, 2 thận, giác mạc và 9 gân cho y học, cứu sống cùng lúc 6 bệnh nhân.
Riêng lá phổi được ghép cho nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội, phát hiện giãn phế quản từ lúc 3 tuổi, hỏng hết 2 phổi. Nhiều năm nay, gia đình phải mua máy thở để bệnh nhân thở oxy tại nhà, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Nam bệnh nhân 38 tuổi hồi sinh nhờ lá phổi của chàng trai 20 |
GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ca mổ lấy – ghép phổi diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 16h ngày 12/8 tới 6h30 ngày 13/8.
Đây là ca ghép phổi thứ 2 tại BV Việt Đức, sau 8 tháng thực hiện ca ghép phổi đầu tiên cho nam thanh niên 17 tuổi. Hiện bệnh nhân ghép phổi đầu tiên tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn đang phải theo dõi thêm tại bệnh viện.
GS Giang cho biết, ghép phổi là một trong những kĩ thuật ghép tạng khó và phức tạp nhất với quy trình gồm hàng trăm bước.
Sau mổ 6 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.
Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt.
Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường, hiện bệnh nhân đã có thể ăn uống được. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân có thể tự thở hoàn toàn trong vài ngày tới khi phối hợp nâng cao thể trạng.
Tuần qua, gần 300 y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức chia làm nhiều ekip đã làm việc liên tục để thực hiện 16 ca ghép tạng |
Thành công của ca ghép phổi lần thứ 2 cũng đánh dấu kỷ lục mới của Việt Nam khi lần đầu tiên lấy 6 tạng ghép cho 5 bệnh nhân cùng lúc (trước đó mới thực hiện ghép cho 4 bệnh nhân).
“6 bàn mổ của chúng tôi phải làm việc xuyên đêm, bác sĩ phải nằm ngủ la liệt trên phòng mổ vì chưa hết ca ghép này lại nối tiếp ca khác trong suốt nhiều ngày ròng. Khoảng 300 con người làm việc liên tục”, GS Giang chia sẻ.
Trường hợp chết não còn lại ở Thanh Hoá gan, 2 thận, cứu sống 3 bệnh nhân.
Đặc biệt, trong tuần qua, BV Việt Đức đã ghép tạng thành công cho 2 bệnh nhân, từ nguồn tạng hiến tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM chuyển ra, gồm 1 quả tim và 1 lá gan.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, BV Việt Đức chia sẻ thêm, dù trong 1-2 năm qua, nhận thức của người dân về hiến ghép mô tạng đã thay đổi nhiều nhưng số ca chết não hiến tạng vẫn rất khiêm tốn, dù thực tế mỗi ngày có ít nhất 4-5 ca.
Trong 10 năm qua, cả nước mới có 57 người chết não hiến tạng, trong đó thực hiện 2 ca ghép phổi, 25 ca ghép tim, 54 ca ghép gan và 99 trường hợp ghép thận.
Hiện tại, Việt Nam có hơn 26.000 bệnh nhân chạy thận, nhưng số ca ghép thận từ năm 1992 đến nay mới được 3.500 ca, tương tự, cả nước có hơn 10.000 ca ung thư gan và xơ gan có chỉ định ghép tạng mỗi năm, nhưng trong gần 3 thập kỷ mới ghép được 150 ca.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện chi phí ghép tim, ghép gan của Việt Nam chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với nước ngoài.
Hiện tại, thuốc chống thải ghép cũng đã được BHYT thanh toán 80%, do đó mỗi tháng, bệnh nhân ghép tạng chỉ phải đồng chi trả 1-2 triệu đồng và càng về sau, lượng thuốc càng giảm nên chi phí càng ít.
Thúy Hạnh
Chàng trai 29 tuổi lần đầu được đi máy bay khi đã chết
Khi nhìn thấy thùng đựng tim của anh Khiêm chuyển đi Huế, cháu ruột anh thốt lên: “Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!”.