Sáng 26/3, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong đêm 25/3, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân có tình trạng tương tự 3 ca ngộ độc pate chay trước đó (1 người tử vong, 2 người nguy kịch). Các trường hợp này cùng ăn bún riêu chay ở Bình Dương.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng cho biết, 2 bệnh nhân gồm bà C.N.H, 53 tuổi và bé P.T.T.T, 16 tuổi đang được điều trị lần lượt tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Cả hai đã cải thiện sức khỏe rõ rệt.
Trước đó, bệnh nhân H. bị suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (từng ngưng tim 1 lần). Hiện tại, bệnh nhân đã cải thiện sức cơ, có biểu hiện nghe hiểu.
Bé T., 16 tuổi vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng suy hô hấp và được thở máy, đồng tử giãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay.
Lúc 19h30, bé bắt đầu được truyền 2/3 lọ huyết thanh kháng độc tố. Đến 22h30, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn.
Đến 1h30 sáng 26/3, khi được yêu cầu, bé rung được cơ đùi, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt.
Theo Sở Y tế, biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp bị ảnh hưởng của vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Liên Anh
Một người chết, 2 người nguy kịch sau khi ăn pate chay
Nồi bún riêu có nguyên liệu là một hộp pate chay đã bị phồng lên. Sau khi ăn, 3 người đều nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.