Từ ngày 22/8, TP.HCM sẽ xét nghiệm diện rộng toàn TP và điều chỉnh một số nội dung công tác xét nghiệm.
Theo đó, toàn bộ người dân tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ) sẽ được test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.
Tại những vùng cận xanh và xanh sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10). Tần suất xét nghiệm 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.
Tiêu chí để "giải phóng vùng sạch" là không có F0 sau 2 lần xét nghiệm hoặc có F0 nhưng chỉ số CT ≥ 30, tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% (đối tượng trên 18 tuổi), có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Nhân viên y tế đang thu mẫu xét nghiệm nCoV của người dân TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng. |
Các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm. Mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, cấp phát sinh phẩm test nhanh kháng nguyên đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm.
Đối với các trường hợp còn lại, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn các thành viên trong gia đình làm.
Sau 30-60 phút, đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính.
Thời gian thực hiện từ ngày 23-25/8.
Sau ngày 25/8, tiến hành đánh giá lại mức độ nguy cơ của các tổ dân phố theo tiêu chí của kế hoạch số 2716. Các địa phương cũng cần cập nhật thêm số liệu về tỷ lệ tiêm chủng; số người trên 18 tuổi; tổng số ca F0 trên địa bàn từ ngày 27/4.
Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động tổ chức test nhanh kháng nguyên hàng tuần đối với các đối tượng sau:
- Lực lượng tham gia chống dịch: nhân viên y tế, công an, quân đội, dân phòng, tình nguyện viên...
- Lái xe, người thu gom rác thuộc công ty môi trường đô thị và các công ty dịch vụ công ích.
- Nhân viên bán xăng.
- Nhân viên tại các nhà thuốc tây.
- Nhân viên giao hàng (shipper).
Tú Anh
TP Thủ Đức tiêm vắc xin Moderna cho phụ nữ mang thai, cho con bú
Loại vắc xin được tiêm cho hai nhóm đối tượng này là Moderna, do BV TP Thủ Đức và BV Lê Văn Thịnh tổ chức tiêm.