Các quan chức của WHO ở Tây Thái Bình Dương cho biết, việc một số quốc gia đóng cửa biên giới giúp có thêm thời gian để đối phó với biến thể Omicron. Bên cạnh đó, các biện pháp và kinh nghiệm trong việc phòng chống biến thể Delta vẫn là nền tảng để chống lại đại dịch.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Tiến sĩ Takeshi Kasai, thông tin, trong khi một số quốc gia đang phải đối mặt với số ca Covid-19 gia tăng, các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở nhiều nước khác đã giảm.
"Tin tích cực là hiện không có thông tin nào cho thấy chúng ta cần phải thay đổi hướng phản ứng của mình", Tiến sĩ Kasai nhận xét.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Tiến sĩ Takeshi Kasai
Quan chức của WHO giải thích, Omicron được xếp vào nhóm biến thể gây lo ngại vì số lượng đột biến cao và vì thông tin ban đầu cho thấy Omicron có thể dễ lây truyền hơn các biến thể khác. Ông Kasai nói cần có thêm các nghiên cứu khác.
Hiện nay, nhiều quốc gia châu Á đã xuất hiện những ca Covid-19 đầu tiên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ.
71 người đến Philippines từ Nam Phi trong 2 tuần qua đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang chờ xét nghiệm có nhiễm biến thể Omicron không.
Tiến sĩ Babatunde Olowokure, Giám đốc Tình trạng Khẩn cấp Khu vực của WHO, đưa ra 5 biện pháp ứng phó với tình hình dịch hiện nay.
Đầu tiên, cần bao phủ vắc xin, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người cao tuổi, người có bệnh nền. Thứ hai, áp dụng biện pháp y tế công đồng. Thứ ba, đảm bảo điều trị kịp thời cho bệnh nhân, luôn sẵn sàng giường cấp cứu cho những người cần dùng. Thứ tư, củng cố giám sát để phát hiện sớm các ca F0. Thứ năm, kiểm soát biên giới.
Trên toàn cầu, số ca Covid-19 đã gia tăng trong 7 tuần liên tiếp và số người tử vong cũng bắt đầu tăng trở lại, phần lớn do tác động của biến thể Delta và việc nới lỏng các biện pháp bảo vệ.
“Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy nhiều đợt tăng ca bệnh trong tương lai. Nếu sự lây lan vẫn tiếp tục, virus có thể tiếp tục đột biến như sự xuất hiện của Omicron, nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác”, Tiến sĩ Kasai nói.
Đại diện của WHO đặc biệt cảnh báo về khả năng đại dịch bùng nổ do lượng người tụ tập và di chuyển nhiều hơn trong kỳ nghỉ lễ. Mùa đông ở các nước lạnh có thể kéo theo các bệnh đường hô hấp truyền nhiễm khác như cúm, Covid-19.
Ông Kasai nói: “Rõ ràng đại dịch này còn lâu mới kết thúc và tôi biết rằng mọi người đang lo lắng về Omicron. Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cách kiểm soát loại virus này để đối phó tốt hơn với các đợt dịch trong tương lai, giảm các tác động đến sức khỏe, xã hội và kinh tế”.
Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO bao gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam.
An Yên (Theo AP)
WHO: Vắc xin có thể chống lại nguy cơ trở nặng khi nhiễm Omicron
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tin rằng vắc xin Covid-19 hiện có sẽ chống lại nguy cơ trở nặng khi nhiễm biến thể Omicron mới.