Theo Daily Mail, boongke ngầm mà Tổng thống Donald Trump và các thành viên trong gia đình trú ẩn có tên gọi chính thức là Trung tâm tác chiến khẩn cấp của tổng thống (PEOC).
Nơi trú ẩn này nằm dưới cánh đông của Nhà Trắng và được xây dựng vào những năm đầu của thập niên 1940, dưới thời Tổng thống lúc đó là Franklin Delano Roosevelt.
Sơ đồ các vị trí chủ chốt ở Nhà Trắng. (Ảnh: Daily Mail) |
Sau này, người kế nhiệm ông Roosevelt là Tổng thống Harry Truman đã mở rộng PEOC như một phần của dự án đại cải tạo Nhà Trắng, vốn gồm cả phá huỷ và mở rộng khu vực này.
Boongke ngầm này hiếm khi được các Tổng thống Mỹ sử dụng. Mãi tới ngày 11/9/2001, khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố, các quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống George W.Bush mới sử dụng nó vì lo ngại máy bay bị không tặc đang lao tới Nhà Trắng.
Khi bốn chiếc máy bay thương mại bị không tặc và sau đó lao vào Lầu Năm Góc, Trung tâm thương mại thế giới và một cánh đồng ở Pennsylvania, Tổng thống không có mặt ở Washington DC. Tuy nhiên, vào buổi sáng hôm đó, Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, Đệ nhất phu nhân Laura Bush và nhiều trợ lý cấp cao khác đã xuống boongke ngầm này.
Trong cuốn hồi kỳ “Spoken from Heart”, bà Laura Bush hồi tưởng lại việc vội vã chạy xuống nơi trú ẩn ngầm.
“Tôi vội vã đi vào trong và xuống thang thông qua cửa thép đồ sộ. Cánh cửa đóng lại sau lưng tôi với tiếng gió rít... Tôi thấy mình đang ở trong một trong những hành lang ngầm chưa hoàn thiện, nằm bên dưới Nhà Trắng. Hành lang dẫn tới Trung tâm tác chiến khẩn cấp của Tổng thống, được xây cho Tổng thống Franklin Rooosevelt trong thời Thế chiến II.
Chúng tôi đi dọc con đường được lát bằng những viên đá cũ với những đường ống treo trên trần nhà cùng đủ loại thiết bị. PEOC được thiết kế làm trung tâm chỉ huy trong các trường hợp khẩn cấp, nó có đủ tivi, điện thoại các thiết bị liên lạc”, bà Laura viết.
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ còn cho hay, bà được đưa tới một phòng họp nhỏ với một chiếc bàn lớn.
Phó Tổng thống Mỹ và Đệ nhất phu nhân Laura Bush có mặt bên trong boongke ngầm tại Nhà Trắng vào thời điểm Mỹ bị tấn công khủng bố. (Ảnh: NA) |
Các nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng đã ghi lại hình ảnh ông Cheney, bà Laura và nhiều trợ lý cấp cao khác như Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice thảo luận với nhau vào ngày hôm đó.
Nhiều nguồn tin cho rằng đó chính là căn phòng mà Tổng thống Donald Trump và gia đình đã trú ẩn vào tối 30/5 vừa qua.
Sau sự kiện 11/9, các quan chức của chính quyền Tổng thống Bush đi tới kết luận rằng PEOC vào thời điểm đó chưa đủ để Tổng thống và các trợ lý làm việc hiệu quả trong tình huống khẩn cấp. Vì thế, Nhà Trắng bắt đầu tiến hành một đại dự án để xây dựng một boongke khác, lớn hơn, được cho là tới 5 tầng phía dưới bãi cỏ phía bắc của Nhà Trắng.
(Ảnh: AP) |
“Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, những người phụ trách an ninh quốc gia nhận thấy rằng boongke đó không thích hợp”, Ronald Kessler, tác giả một cuốn sách về Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump nói với tờ The Washington Post.
“Trước khi sự kiện 11/9 xảy ra, có ý tưởng là, nếu một cuộc tấn công hạt nhân, hay thứ gì đó tương tự xảy ra, các nhân viên Nhà Trắng và người thân trong gia đình Tổng thống có thể sơ tán tới một địa điểm hẻo lánh tại tây Virginia hoặc Pennsylvania.
Tuy nhiên, sau ngày 11/9/2001, họ nhận thấy rằng không thể rời Washington bằng xe cộ vì khi đó mọi con đường đều tắc nghẽn. Nếu dùng trực thăng thì cũng nguy hiểm vì khi đó nước Mỹ đang bị tấn công. Vì thế, ý nghĩ về việc tạo một nơi hoàn toàn tách biệt được hình thành, đó là một boongke ngầm dưới bãi cỏ Nhà Trắng”.
Boongke ngầm dùng làm trung tâm chỉ huy cũng như nơi trú ẩn của Tổng thống Mỹ và các trợ lý cấp cao, được trang bị đủ đồ ăn trong vài tháng và có nguồn cung cấp khí tự túc.
Hoài Linh