Đại dịch Covid-19 bùng phát còn khiến cho công ty xây dựng, nơi mà người mẹ 2 con này đang làm việc với mức lương 10 USD/ngày, phải đóng cửa. "Tôi nợ nhiều quá, mà không biết làm sao bây giờ", Jamras Kongchai quê ở tỉnh Kamphaeng Phet, bắc Thái Lan, than thở với Reuters.
Người dân mang khẩu trang ở khu người Hoa thuộc thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters |
Tại Thái Lan, rất nhiều người rơi vào tình cảnh như Jamras Kongchai. Tháng trước, họ đã kéo nhau đến Bangkok biểu tình, kêu gọi chính phủ giúp đỡ giảm bớt nợ nần.
Jamras Kongchai mới chỉ trả được một số tiền lãi kể từ năm 2013. Năm nay, bà phải trả tới 40.000 Baht tiền lãi, mà trong túi chẳng có xu nào. "Tôi hy vọng nhận được một số giúp đỡ", bà bày tỏ.
Các cuộc biểu tình như vậy càng gây thêm áp lực lên Chính phủ Thái Lan trong bối cảnh nước này đang đối mặt nhiều cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và chật vật vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch Covid-19.
Theo Reuters, các hộ gia đình ở Thái Lan thuộc diện vay mượn nhiều nhất ở châu Á, gánh trên vai một núi nợ lên tới 14 nghìn tỷ Baht, tương đương 89,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính đến cuối tháng 12/2020, tăng mạnh so với mức 78,1% trong năm 2017. Và, họ ngày càng khó trả nợ đúng hạn.
Mức nợ hộ gia đình hiện nay ở Thái Lan là cao nhất kể từ khi ngân hàng trung ương nước này bắt đầu lưu giữ hồ sơ năm 2003. Nợ cao cũng gây rủi ro cho sự ổn định tài chính và hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, cản trở sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan giảm sâu nhất trong hơn hai thập niên khi xuất khẩu co hẹp và du lịch lao đao vì vắng bóng du khách nước ngoài.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, Covid-19 bùng phát đợt mới càng khiến áp lực lên nhiều gia đình và doanh nghiệp tăng cao. Ngân hàng này phải cắt giảm triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 3% từ mức 3,2%, cảnh báo nền kinh tế sẽ không thể trở lại mức độ như trước đại dịch cho đến giữa năm 2022.
Dù đợt bùng phát mới nhất đã được kiềm chế phần lớn, nhiều người vẫn lo ngại phục hồi kinh tế sẽ chậm chạp và chắp vá, khiến nỗi đau càng dai dẳng.
"Ngay cả trước Covid-19, nợ trên GDP của chúng tôi đã cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Khoản nợ lớn này có tác động khá lớn đến GDP và chi tiêu hộ gia đình", Reuters dẫn lời Yunyong Thaicharoen, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại Siam. Ông thậm chí cảnh báo tỷ lệ nợ có thể đạt đỉnh 90-91% GDP trong quý đầu tiên.
Chính phủ Thái Lan cam kết chi 1 nghìn tỷ Baht để cứu trợ nhằm giảm bớt tác động của đại dịch. Tuy nhiên, một số người cho rằng, cứu trợ hiện tại không được triển khai đủ nhanh tới nhiều người dân.
Núi nợ
Gánh nặng nợ ngày càng chồng chất có khả năng sẽ hạn chế tiêu dùng tư nhân, vốn chiếm một nửa tổng GDP 502 tỷ USD của Thái Lan, đồng thời gây tổn thất cho thu nhập của giới cho vay. Năm ngoái, đại dịch đã làm giảm nhu cầu vay tiền, nhưng nền kinh tế suy thoái cũng khiến người dân khó trả nợ hơn.
Năm 2020, cho vay tiêu dùng tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng 7,5% của năm trước đó do dịch bệnh cắt giảm sức mua hộ gia đình, theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Tuy nhiên, các khoản cho vay có rủi ro tín dụng lớn lại tăng vọt, với các khoản cho vay mua ôtô vọt lên mức 9,5%, cao nhất trong ít nhất 3 năm qua.
Nhiều năm qua, vay tín dụng dễ dàng dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng mạnh, dẫn tới nhiều cảnh báo về rủi ro tăng cao với các hộ gia đình ở Thái Lan, và giờ đây đại dịch lại khiến hàng triệu người mất việc làm. Hồi tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, khoảng 4,7 triệu lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó 1,2 triệu người có thể thất nghiệp.
Kể cả sau khi nền kinh tế Thái Lan đã phục hồi và thêm nhiều việc làm được tạo ra, các hộ gia đình cũng phải mất một thời gian dài mới có thể giải quyết những khoản nợ cao như núi.
"Chúng tôi có thể kiếm được nhiều hơn nhưng sẽ tiếp tục phải trả nợ, không còn tiền để chi tiêu. Chúng tôi sẽ lại vay nợ và không bao giờ thoát khỏi nợ", Aree Onkloi, 22 tuổi, công nhân ở tỉnh Phitsanulok, tâm sự với Reuters. Gia đình thanh niên này hiện đang nợ gần 1 triệu Baht.
Thanh Hảo
Yếu tố không ngờ khiến Thái Lan chật vật trong cuộc chiến với Covid-19
Các sới chọi gà và sòng bạc bất hợp pháp đang tạo ra những thách thức mới cho Thái Lan trong việc ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.
Thái Lan từ chối tham gia liên minh vắc-xin chống Covid-19
Thái Lan ngày 14/2 đã đưa ra lý do bảo vệ cho quyết định không tham gia Liên minh vắc-xin ngừa Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới.