Ngày 7/9, một nhóm phụ nữ Afghanistan nép mình vào lề đường ở Kabul để ẩn nấp sau khi các tay súng Taliban nã đạn vào không trung để giải tán hàng trăm người biểu tình.

{keywords}
Hàng trăm phụ nữ Afghanistan tham gia biểu tình chống Taliban và Pakistan ở thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters

Một trong số những người phụ nữ nói nhanh trước ống kính máy quay đang hướng về mình. Cô quả quyết: "Những người này (Taliban) rất bất công... Họ không cho chúng tôi quyền biểu tình. Họ không phải là người Hồi giáo, mà là những kẻ ngoại đạo".

Tiếng súng sau đó lại nổ ran, dẫn đến sự hoảng loạn hơn nữa. Tuy nhiên, không có trường hợp thương vong nào được báo cáo trong sự cố. Đoạn video ghi lại các cuộc biểu tình được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, các thành viên Taliban đang chĩa súng bắn chỉ thiên.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình dai dẳng gần một tháng qua ở Kabul cùng những cuộc tuần hành hàng ngày, quy mô nhỏ hơn trên khắp quốc gia Nam Á, thường do phụ nữ dẫn đầu, đang tạo ra thách thức đối với tân chính phủ mới được Taliban công bố vào cuối ngày 7/9.

Nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đã kêu gọi người Afghanistan kiên nhẫn, cho nhóm thời gian để thành lập chính phủ trước khi giải quyết các yêu cầu của người dân. "Họ được yêu cầu kiên nhẫn một chút. Khi hệ thống được thiết lập và các tổ chức khôi phục hoạt động, họ sẽ quay lại làm việc với các bạn", một phát ngôn viên của Taliban tuyên bố trong tuần này, đề cập đến những phụ nữ biểu tình.

Giờ đây khi tên của các bộ trưởng trong chính quyền mới được công bố, những kỳ vọng về một xã hội, nơi các quyền công dân từng được tăng cường trong suốt hai thập kỷ qua, nhiều khả năng sẽ tăng lên.

Lần gần đây nhất khi Taliban quản lý Afghanistan, giai đoạn 1996 - 2001, các trẻ em gái không được đến trường, còn phụ nữ bị cấm đi làm cũng như theo đuổi việc học hành. Cảnh sát tôn giáo sẽ đánh roi bất cứ ai vi phạm các quy định và các vụ hành quyết công khai thường xuyên diễn ra.

Lần này, Taliban đã hứa sẽ khoan dung hơn. Đây là cam kết mà nhiều người Afghanistan và các nhà tài trợ nước ngoài sẽ giám sát chặt chẽ. Với các cuộc biểu tình đang tiếp diễn, yêu cầu của những người tham gia rất khác nhau.

Các nữ sinh viên ở thành phố Herat, miền tây Afghanistan cho biết họ sẽ vận động hành lang để có được sự đại diện lớn hơn trong chính quyền mới và việc tôn trọng các quyền của họ. "Phụ nữ phải ra ngoài để cứu lấy công việc và địa vị của chúng tôi trong xã hội. Đây thực sự là tình huống bây giờ hoặc không bao giờ", Dariya Imani, sinh viên của trường kinh doanh thuộc Đại học Herat bày tỏ.

Imani nói, các anh chị em họ của cô đã tham gia vào cuộc biểu tình ở Kabul vào ngày 7/9. "Chúng tôi không dũng cảm, chúng tôi chỉ đang khát khao bảo vệ các quyền cơ bản của mình", nữ sinh này nhấn mạnh.

Các lãnh đạo Taliban đã hứa hẹn sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ "phù hợp với luật Sharia của Hồi giáo". Song, họ cũng nêu rõ sẽ không có bất kỳ phụ nữ nào được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao trong chính quyền và thực tế đến nay là như vậy.

Một số người dân Afghanistan đã lên tiếng tố cáo những gì họ coi là "bàn tay chỉ đạo của Pakistan" đằng sau Taliban. Tuy nhiên, chính quyền Islamabad đã bác bỏ cáo buộc này.

Ngoài biểu tình, một số người cũng nhắc đến một vấn đề khác khiến Taliban đau đầu lo đối phó. Đó là phong trào phản kháng vũ trang duy nhất còn lại chống Taliban, do các chiến binh ở thung lũng Panjshir, phía bắc Kabul tiến hành. Lực lượng đối lập này đã bị đẩy lui khỏi các thị trấn chính, nhưng thề sẽ tiếp tục chiến đấu từ những nơi ẩn náu trên núi.

Tuấn Anh

>>> Cập nhật chiến sự ở Afghansitan

Bài toán hóc búa của Taliban sau khi thâu tóm Afghanistan

Bài toán hóc búa của Taliban sau khi thâu tóm Afghanistan

Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban không chỉ phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trong nước, mà còn phải lo giải quyết nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Taliban bắn chỉ thiên giải tán người biểu tình ở Kabul

Taliban bắn chỉ thiên giải tán người biểu tình ở Kabul

Các tay súng Taliban ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã bắn hàng tràng đạn cảnh cáo nhằm giải tán người biểu tình phản đối Pakistan.