Tối 21/2 (giờ địa phương), sau khi thông báo đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) ở vùng Donbass, phía đông Ukraina, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga điều động binh sĩ đến hai khu vực ly khai nói trên để làm nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình".

{keywords}
 

Quyết định của Điện Kremlin đã lập tức gây ra cơn địa chấn trong cộng đồng quốc tế. Mỹ và các đồng minh phương Tây đồng loạt lên án động thái của chính quyền ông Putin, đồng thời khẳng định sẽ áp trừng phạt với Nga.

Tuy nhiên, viết trên CNN, cây bút bình luận Jossh Boak lưu ý, diễn biến mới không phải là một cuộc tấn công quân sự toàn diện của Nga như khuyến cáo lâu nay của giới chức phương Tây.

Cho đến hiện tại, đó chưa phải là cuộc tổng huy động khoảng 190.000 binh sĩ cùng lực lượng hỗ trợ đang áp sát Ukraina, trong các "đội hình chiến thuật" đe dọa Kiev và lật đổ chính phủ của Tổng thống Zelensky như các cơ quan tình báo Mỹ và Anh tiên lượng. Kịch bản ác mộng ấy vốn dự báo các vụ ném bom kinh hoàng, kéo theo sự tham gia của hàng chục nghìn quân, có thể gây ra thương vong cho hàng chục nghìn dân thường và hàng triệu người tị nạn.

Theo ông Boak và một số chuyên gia phân tích khác, những gì diễn ra trong vài ngày tới đây có thể định hình bối cảnh địa chính trị thế giới trong những năm tiếp theo.

Phương Tây thực tế đã khởi động đợt trừng phạt đầu tiên chống Moscow. Cụ thể, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 22/2 tuyên bố trước Hạ viện rằng, nước này sẽ đóng băng tài sản và áp lệnh cấm nhập cảnh đối với 3 doanh nhân và 5 ngân hàng Nga được tin có quan hệ mật thiết với chính quyền Putin. Ông Johnson nói, đây chỉ là một phần trong gói trừng phạt mà Anh đã chuẩn bị và những biện pháp cứng rắn hơn sẽ được áp dụng đồng bộ với Mỹ và EU.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, từ ngày 23/2, Washington sẽ trừng phạt Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga cũng như giới tinh hoa của nước này cùng các thành viên gia đình họ.

Sau cuộc họp bất thường của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) bên lề Diễn đàn về hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell thông báo, liên minh đã nhất trí sẽ giáng đòn trừng phạt 27 cá nhân và thực thể Nga bị cáo buộc "góp phần làm xói mòn hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina". Toàn bộ 351 thành viên của Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào các nước thành viên EU.

Tương tự, Đức tuyên bố sẽ tạm ngưng tiến trình phê chuẩn hoạt động của dự án đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 10 tỷ Euro, dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế Moscow.

Đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi các biện pháp trừng phạt của phương Tây là "bất hợp pháp". Moscow chưa có động thái trả đũa, nhưng Tổng thống Putin từng quả quyết trong một cuộc họp báo cuối tuần trước rằng, không có biện pháp trừng phạt mới nào có thể cản bước Nga vì họ đã có kinh nghiệm đối phó với chúng nhiều năm qua.

Theo giới quan sát, nếu các bên dừng lại ở đây và sẵn sàng trở lại bàn đàm phán, cuộc khủng hoảng Ukraina có thể sẽ được kiềm chế, giúp loại bỏ nguy cơ về chiến tranh cũng như tránh được ảnh hưởng tiêu cực lan rộng hơn ra toàn cầu.

Viễn cảnh này ít nhất có thể giúp người Mỹ giảm bớt nỗi lo sau thiệt hại do giá xăng và lạm phát tăng đột biến gây ra, đồng thời cho phép Tổng thống Joe Biden vãn hồi phần nào mức độ sụt giảm tín nhiệm trong năm bầu cử giữa kỳ khó khăn. Và người châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga (chỉ tính riêng trong năm 2020, 35% khí đốt nhập khẩu của EU là từ Nga).

Tuy nhiên, nếu tất cả không chấp nhận nhượng bộ và tiếp tục chiến lược "bên miệng hố chiến tranh", căng thẳng trong khu vực chắc chắn sẽ không ngừng leo thang và tình hình sẽ như quả bom hẹn giờ chờ phát nổ.

Nhiều chuyên gia phân tích bày tỏ lo ngại về viễn cảnh tồi tệ này khi Nga ngày 22/2 tiết lộ sẽ sớm sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina, đồng thời công nhận các tuyên bố về đường biên giới mở rộng của các vùng ly khai miền đông Ukraina hay công nhận độc lập cho một vùng diện tích rộng gấp 3 lần khu vực do phe ly khai kiểm soát trên thực tế, bao gồm cả những phần diện tích đang nằm dưới sự quản lý của Kiev tại Donbass.

Trong khi, giới chức Anh nói đã có bằng chứng về việc binh lính Nga bắt đầu được triển khai ở DPR và LPR, sẵn sàng hành động theo các hiệp ước tương trợ, bảo vệ đã ký với hai vùng ly khai này trong trường hợp các lực lượng Kiev tập kích.

Về phía Ukraina, Tổng thống Zelensky khẳng định nước này sẽ không chấp nhận việc mất lãnh thổ và ông đã ký sắc lệnh "huy động lực lượng quân nhân dự bị trong một thời kỳ đặc biệt". Ngoài ra, dù Mỹ và các đồng minh NATO nói họ không có kế hoạch cử binh lính chiến đấu tới Ukraina mà chỉ hỗ trợ Kiev tăng khả năng phòng thủ, nhưng trong mắt Nga, việc phương Tây chuyển giao vũ khí và cử sĩ quan huấn luyện quân đội Ukraina đã trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này. Đó là chưa kể đến việc họ đã thẳng thừng từ chối các đề xuất bảo đảm an ninh của chính quyền Putin, khiến Moscow phẫn nộ.

Bất chấp những dấu hiệu trên, trong dư luận vẫn dấy lên hy vọng rằng ông Putin không thực sự muốn động binh, mà chỉ muốn cảnh báo phương Tây và Ukraina về cái giá phải trả, nhằm buộc họ phải cân nhắc chấp nhận các đề xuất tháo gỡ bế tắc của Moscow và ngăn cản nước láng giềng gia nhập NATO.

Giới quan sát đang cố xác định liệu động thái mới của chính quyền Putin có phải là dấu hiệu báo trước cho sự bùng nổ rộng lớn để kết thúc thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và mở ra một kỷ nguyên căng thẳng mới ở châu Âu hay không. Sự âu lo có thể bao trùm khu vực khi ngoài Ukraina, còn có nhiều nước Đông Âu từng thuộc Liên Xô có số lượng lớn người Nga sinh sống như Latvia, Lithuania hay Estonia...

Việc đó rốt cuộc có thể dẫn đến những thay đổi chiến lược về an ninh xuyên Đại Tây Dương, kể cả việc đưa hàng nghìn lính Mỹ trở lại các căn cứ họ từng rút đi vào những năm 1990 và đầu những năm 2000. Viễn cảnh như vậy cũng sẽ làm phức tạp thêm mong muốn của Washington trong việc xoay trục sang châu Á, nhằm chống lại một siêu cường đang trỗi dậy là Trung Quốc.

Dư luận quốc tế vẫn đang nín thở chờ xem những bước đi mới của các bên liên quan, kể những hành động "ăn miếng, trả miếng" lẫn nhau.

Tuấn Anh

>>> Xem thêm căng thẳng tại Ukraine tren Vietnamnet

Vì sao ông Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Ukraina?

Vì sao ông Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Ukraina?

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraina được tin vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những bước đi sai lầm của phương Tây.