Sau cuộc họp bất thường với Hội đồng An ninh quốc gia Nga tối 21/2 giờ địa phương (sáng 22/2 giờ Việt Nam), ông Putin thông báo đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) ở vùng Donbass, miền đông Ukraina. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga điều quân tiến vào hai khu vực ly khai nói trên để thực hiện các hoạt động "gìn giữ hòa bình".

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Theo một bản sao của thỏa thuận được ông Putin ký kết hôm 21/2, Nga đã giành được quyền xây dựng các căn cứ quân sự ở DPR và LPR. Moscow cùng các khu vực này cũng dự định ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và viện trợ lẫn nhau, bao gồm cả những thỏa thuận riêng rẽ về hợp tác quân sự và bảo vệ biên giới, theo nội dung một dự luật sẽ được Hạ viện Nga dự kiến xem xét vào ngày 23/2.

Sputnik dẫn lời giới chức Nga giải thích, quyết định nhằm đáp ứng các lời thỉnh cầu công nhận độc lập từ Donetsk và Luhansk cũng như để bảo vệ các cộng đồng dân cư ở đây khỏi "một cuộc tấn công đã được Chính phủ Ukraina lên kế hoạch" nhằm giành lại quyền kiểm soát hai khu vực.

Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraina với các lực lượng ly khai ở Donbass, nơi cư trú của khoảng 3 triệu dân với phần lớn trong số họ nói tiếng Nga, kể từ năm 2014, thời điểm bán đảo Crưm sáp nhập và Nga.

Moscow được tin đã hỗ trợ về tài chính và nhân đạo cho Donetsk và Luhansk sau khi phong trào Maidan thân phương Tây lật đổ chính quyền thân Moscow ở Kiev vào tháng 2/2014. Tạp chí Finacial Times dẫn lời các quan chức Nga thống kê, cho đến nay, nước này cũng đã cấp hộ chiếu và quyền công dân cho khoảng 800.000 cư dân ở Donbass.

Theo các thỏa thuận Minsk được ký kết vào tháng 12/2014 và tháng 2/2015 giữa Nga, chính quyền Kiev, các lực lượng nổi dậy ở Donbass và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), dưới sự trung gian hòa giải của Pháp và Đức, một lệnh ngừng bắn được thực thi ở miền đông Ukraina. Tuy nhiên, phe ly khai trên thực tế kiểm soát hầu hết Donetsk và Luhansk, đồng thời xây dựng một tuyến kiểm soát kiên cố ngăn cách họ với quân đội Ukraina.

Kiev mô tả các khu vực trên là "những vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng", đồng thời coi các thỏa thuận Minsk là công cụ để giành lại quyền quản lý Donbass. Họ muốn kiểm soát toàn bộ biên giới Nga - Ukraina, bầu cử ở Donbass và phân chia quyền lực có giới hạn cho phe tìm kiếm độc lập.

Ngược lại, Moscow coi các thỏa thuận Minsk là văn bản ràng buộc Ukraina phải cấp cho chính quyền ở Donbass quyền tự chủ toàn diện và quyền đại diện trong chính quyền trung ương, trao cho Moscow quyền phủ quyết các lựa chọn chính sách đối ngoại của Kiev, "bất lợi đối với an ninh quốc gia Nga", chẳng hạn như việc Ukraina gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một cách hiệu quả. Chỉ khi đó, Kiev mới được trao quyền kiểm soát toàn bộ đường biên giới Nga - Ukraina.

Những nỗ lực của các nhà ngoại giao phương Tây nhằm thu hẹp bất đồng giữa Kiev - Moscow đã không đạt kết quả, khiến tranh cãi về quy chế cho Donbass vẫn dai dẳng suốt 8 năm qua và bạo lực vẫn tiếp diễn tại vùng ly khai này.

Thêm vào đó, bất chấp sự phản đối dữ dội của Nga, năm 2019, Ukraina đã đưa mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO vào hiến pháp của nước này. Các chính quyền tiếp nối ở Kiev cũng xúc tiến những nỗ lực nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đó, khiến Moscow vô cùng phẫn nộ và quan hệ giữa hai nước láng giềng luôn ở tình trạng "cơm không lành, canh chẳng ngọt".

Về lí do Tổng thống Putin công nhận độc lập của DPR và LPR, ông Daniel McAdams, giám đốc Viện hòa bình và thịnh vượng Ron Paul (Mỹ) cho rằng, điều đó một phần vì "các thỏa thuận Minsk đã bị giết chết bởi sự kiêu ngạo của phương Tây cũng như việc Mỹ và các đồng minh từ chối công nhận sự thật rằng, Nga cũng có những lo ngại chính đáng về an ninh như bất kỳ quốc gia nào khác và họ từ chối thỏa hiệp".

Ông McAdams tin, các quan chức chính phủ Mỹ và Anh, điển hình như Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi liên tục lặp lại phát biểu "Nga sắp tiến đánh Ukraina", viện dẫn lí do Moscow tăng quân gần biên giới nước láng giềng để thúc đẩy việc chuyển giao vũ khí, kể cả tên lửa phòng không cho Kiev cũng như điều sĩ quan đến huấn luyện binh lính Ukraina.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời khẳng định việc điều chuyển binh sĩ bên trong lãnh thổ cũng như các cuộc tập trận chung với Belarus không nhằm đe dọa quốc gia nào, mà chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.

Phát biểu trên truyền hình hôm 21/2, Tổng thống Putin cũng nêu rõ, hiến pháp hiện nay của Ukraina không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, song chính quyền Kiev đã phớt lờ điều đó khi kêu gọi phương Tây đưa binh lính và vũ khí tới nước này, khiến nguy cơ Nga phải hứng chịu một đòn tập kích bất ngờ ngày càng hiện hữu.

Ông Putin nhấn mạnh, mọi đề xuất đảm bảo an ninh mà Moscow đưa ra đều bị phớt lờ và NATO đã đáp lại đề nghị không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraina bằng tuyên bố mọi quốc gia đều có quyền gia nhập bất cứ liên minh nào. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, đó là hành động đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga, đồng thời khẳng định Moscow có quyền thực thi những biện pháp đáp trả phù hợp vì an ninh của đất nước.

Cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paul Craig Roberts nhận định, động thái mới của chính quyền Putin ám chỉ phía Nga đã hết kiên nhẫn sau 8 năm cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng Donbass và "việc đàm phán với Mỹ, NATO, EU chưa bao giờ đi đến đâu". Theo ông Roberts, bằng cách công nhận độc lập của DPR và LPR, ông Putin sẽ khiến Mỹ và các đồng minh khó dùng vấn đề Ukraina và cuộc xung đột ở miền đông nước này làm chiêu bài chống lại Moscow hơn.

Ngoài ra, nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng, động thái mới của chính quyền Putin có cùng cách thức và bước đi tương tự như đã tiến hành với Gruzia năm 2008, khi Moscow công nhận 2 vùng ly khai Nam Ossetia và Apkhazia thuộc nước này là những quốc gia độc lập. Vào thời điểm đó, Gruzia nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mikheil Saakashvili có xu hướng thân phương Tây và đang tìm cách đưa Gruzia gia nhập NATO.

Cho đến nay, giấc mơ NATO của Gruzia vẫn chưa thành hiện thực và nước này còn bị mất 2 vùng lãnh thổ. Quyết định mới của Nga do đó có thể nhằm gửi lời cảnh báo tới phương Tây và Ukraina về cái giá phải trả tương tự nếu không thay đổi chính sách.

Tất nhiên, quyết định của chính quyền Putin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trước hết là việc leo thang căng thẳng với phương Tây và nguy cơ Moscow sẽ bị Mỹ và các đồng minh giáng hàng loạt đòn trừng phạt mới. Song, phương Tây cũng buộc phải cân nhắc kỹ phương án ứng phó với Moscow vì nhiều nước thành viên EU đang lệ thuộc vào các nguồn cung năng lượng của Nga, trong khi họ cũng rất cần sự hợp tác của Nga trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, với lợi ích bao trùm lên tất cả về Iran, Triều Tiên, biến đổi khí hậu, ...

Tuấn Anh

>>> Xem thêm tình hình căng thẳng tại Ukraine trên Vietnamnet

Nga công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Ukraina

Nga công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Ukraina

Ngày 22/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố quyết định công nhận nền độc lập đối với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraina.

Ukraina: Quả bom nổ chậm trong lòng châu Âu

Ukraina: Quả bom nổ chậm trong lòng châu Âu

Ukraina có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng. Khi quan hệ của Nga với phương Tây nồng ấm trong những năm 1990, Ukraina "thả sức tung hoành" thúc đẩy quan hệ với các bên.