Thực tế khiến nhiều đồng minh Cộng hòa của ông lên tiếng báo động về triển vọng của đảng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.

Lựa chọn khó khăn

Một loạt các cuộc thăm dò dư luận mới trên toàn quốc và tại các bang "chiến địa" cho thấy, ông Trump đang mất dần lợi thế về tay đối thủ Dân chủ Joe Biden. Điều này càng làm gia tăng những lo lắng bên trong đảng Cộng hòa về sự phán đoán và bản năng của lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm. Một vài người bi quan thậm chí đề cập đến nguy cơ các cử tri sẽ hoàn toàn quay lưng với đảng vào ngày tổng tuyển cử quốc gia 3/11.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Gazette

Khả năng dẫn dắt dư luận của ông Trump dường như cũng đang giảm sút khi một số lãnh đạo Cộng hòa và các chủ tập đoàn lớn bất chấp đe dọa trả đũa từ Nhà Trắng, đã công khai ủng hộ phong trào Black Lives Matter chống phân biệt đối xử với người da đen sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd do cảnh sát Minneapolis gây ra ở bang Minnesota hồi cuối tháng 5.

Trong khi đó, chẳng có mấy đồng minh của ông Trump sẵn sàng chấp nhận một số quan điểm cực đoan hơn của tổng thống, chẳng hạn như phát biểu vô căn cứ của ông hôm 9/6 rằng, người đàn ông 75 tuổi chảy máu tai sau khi bị cảnh sát ở Buffalo xô ngã hồi tuần trước là kẻ biểu tình khiêu khích, dàn dựng thương tích để đổ tội cho lực lượng chấp pháp.

Đáng chú ý, một số chính khách Cộng hòa thậm chí đã hành động trái ngược với tổng thống, đi đầu là các cựu sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, có ảnh hưởng như Thượng nghị sĩ Mitt Romney đến từ bang Utah hay Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski đại diện bang Alaska.

Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu về một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi "chuyến tàu" của ông Trump. Hàng chục chiến lược gia của đảng Cộng hòa thú nhận, hầu hết các nghị sĩ Cộng hòa đều coi họ là "tù nhân trên tàu" và tính toán rằng, việc nhảy khỏi đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.

Các cuộc thảo luận ở cấp cao nhất của đảng Cộng hòa đã đạt tới mức một chính khách kỳ cựu gọi là "giai đoạn chấp nhận đau buồn khi ai cũng hiểu rằng ông ấy (Trump) sẽ là tổng thống ít nhất tới tháng 11 và mọi người không thể tác động gì nhiều về việc đó".

Hầu hết các quan chức Cộng hòa đang chạy đua tái cử đều trông cậy vào việc đi bỏ phiếu của những cử tri trung thành với ông Trump. Sau khi vượt qua các cơn bão chính trị trong hơn 3 năm rưỡi qua, họ thấy không có lợi khi "dứt tình" với tổng thống vào thời điểm hiện tại.

Brendan Buck, cựu cố vấn hàng đầu cho hai Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa trước đây là Paul D. Ryan và John Boehner, chia sẻ trên báo Washington Post rằng: "Hiện không có chỗ trung lập để trú chân. Tôi tiếp tục tin, thực sự không có bất kỳ sự đảo ngược chính trị nào nếu bỏ chạy khỏi (ông Trump). Bạn chẳng đạt được gì và bạn còn làm tăng sự phẫn nộ không chỉ của tổng thống mà cả những người ủng hộ ông ấy".

Theo các nguồn tin nội bộ, điều ám ảnh các thượng nghị sĩ Cộng hòa và cố vấn của họ là hậu quả một số chính khách cùng đảng từng phải hứng chịu, chẳng hạn như Kelly Ayotte đã thất cử năm 2016 trong cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ của bang New Hampshire vì công khai chỉ trích các bình luận của ông Trump về tấn công tình dục.

Dẫu vậy, một số quan chức Cộng hòa đương nhiệm, đang ở thế dễ bị tổn thương hiện vẫn cố tìm cách lánh xa ông Trump. Các chuyên gia tư vấn và các nhà lập pháp hàng đầu của đảng thừa nhận, việc giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ là bất khả thi. Họ ngày càng quan ngại rằng, sự suy yếu của ông Trump cũng có thể đe dọa việc đảng Cộng hòa nắm giữ đa số ghế tại Thượng viện (đảng hiện chiếm 53/100 ghế), khi các Thượng nghị sĩ của đảng như Cory Gardner (đại diện bang Colorado), Susan Collins (đến từ bang Maine), Martha McSally (bang Arizona) và một số chính khách khác đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ Dân chủ.

Theo những người tham dự các cuộc thảo luận riêng tư và họp trực tuyến với các nhà tài trợ, các chiến lược gia trong tuần qua đã đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm giúp các quan chức thuộc đảng Cộng hòa vừa có thể né các rắc rối bủa vây ông Trump vừa tránh dính líu vào những tranh cãi liên quan. Song, hiện ai cũng vô cùng thận trọng vì không muốn đưa ra các quyết định chính trị khiến họ phải hối tiếc về sau.

Thận trọng tìm giải pháp

Theo một phân tích của RealClearPolitics, ông Trump đang kém ông Biden về tỉ lệ ủng hộ của cử tri trung bình là 8% trong cuộc thăm dò dư luận quốc gia kéo dài 10 ngày qua. Các cuộc khảo sát tín nhiệm gần đây cũng cho thấy, lãnh đạo Nhà Trắng đang thua đối thủ trong các trận đối đầu ở nhiều bang chiến địa quan trọng, kể cả Florida, Pennsylvania và Wisconsin.

Frank Luntz, một chuyên gia thăm dò ý kiến ​​của đảng Cộng hòa cho hay, những phát biểu hùng hồn của Tổng thống Trump về tội phạm, luật pháp và trật tự trong tuần qua có thể khiến ông mất đi ít nhiều sự ủng hộ ở nhóm cử tri ông đang cần gia tăng hậu thuẫn.

Đáng nói, bản thân ông Trump đang trở nên ám ảnh với các kết quả thăm dò dư luận và đả kích bất kỳ đối tượng nào tuyên bố ông đang thua kém đối thủ Biden về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri, theo tiết lộ của hai quan chức Nhà Trắng và một đồng minh lâu năm của tổng thống.

Sau khi CNN hôm 8/6 công bố kết quả một cuộc khảo sát mới, cho thấy ông Biden đang tạm dẫn trước lãnh đạo Nhà Trắng tới 14%, đảng Cộng hòa náo loạn. Ông Trump cũng nổi trận lôi đình và ngay lập tức chỉ đạo John McLaughlin, một trong những chuyên gia thăm dò vận động tranh cử của mình, viết bài công khai phản bác. Bản thân ông Trump cũng đăng đàn Twitter cáo buộc cuộc khảo sát của CNN và nhiều tổ chức khác là "giả mạo" và thiếu chính xác.

Các quan chức Nhà Trắng nói, họ đã tư vấn riêng cho các ứng cử viên Cộng hòa và đội ngũ cố vấn của họ giữ bình tĩnh. Họ cũng trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò trong tuần này của tạp chí Phố Wall phối hợp với hãng thông tấn NBC cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Trump ở mức 45%, chỉ giảm 1% so với hồi tháng 4, bất chấp tình hình phức tạp hiện nay.

Trong khi đó, Tim Murtaugh, phát ngôn viên cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump quả quyết, bất kỳ ứng viên Cộng hòa nào muốn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương và giành ghế trong cơ quan lập pháp sẽ phải "kề vai, sát cánh mạnh mẽ" bên Tổng thống Trump.

Đội ngũ vận động tranh cử cho ông Trump và các chính khách Cộng hòa khác cũng tỏ ra phấn khích khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5 là 13,3%, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này có thể đang phục hồi trước khủng hoảng vì dịch bệnh. Các cuộc thăm dò cũng liên tục chỉ ra rằng, các cử tri coi cách ông Trump điều hành nền kinh tế là một trong những ưu điểm của ông, vượt trội so với đối thủ Biden, cựu Phó Tổng thống trong chính quyền tiền nhiệm của Barack Obama.

Scott Reed, chiến lược gia cấp cao về chính trị cho Phòng Thương mại Mỹ nhấn mạnh, nếu đến ngày Lao động Mỹ sắp tới (7/9), nền kinh kinh tế Mỹ quay trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, ông Trump sẽ có lợi thế lớn giúp tăng điểm trong cuộc đua tái cử năm nay.

Ngoài ra, các chính khách Cộng hòa cũng đang dựa vào ông Trump để giúp khắc họa ông Biden cũng như phe Dân chủ là "những kẻ cực đoan". Nỗ lực mới nhất của họ là gắn đảng đối lập với phong trào cánh tả đòi "giải tán lực lượng cảnh sát", dù ông Biden hồi đầu tuần khẳng định không ủng hộ việc này.

Josh Holmes, cố vấn cấp cao cho lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell lưu ý, nếu 5 tháng tiếp theo cũng giống như 5 tháng đã qua, không ai biết chính trường Mỹ sẽ ra sao vào tháng 11 tới đây. Cánh cửa tái cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng dù có thể đã thu hẹp nhưng chưa đóng khép với Tổng thống Trump, nên hầu hết các chính khách Cộng hòa hiện không dám đánh cược vào việc quay lưng với ông. Do đó, họ cũng như đông đảo dư luận vẫn đang nín thở chờ những diễn biến tiếp theo trước thời khắc quyết định vào ngày 3/11.

Tuấn Anh