Trong cuộc họp báo hôm 23/9 tại Nhà Trắng, khi được hỏi về việc có chấp nhận kết quả bầu cử sắp tới và chuyển giao quyền lực êm thấm nếu thất cử hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của cách thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, và lo ngại đây sẽ là cuộc bầu cử thảm họa.

{keywords}
Tổng thống Donald Trump khi tới một cuộc họp báo ở Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng hồi tháng 7/2020. Ảnh: CNBC

Tổng thống Trump cũng cho rằng, nước Mỹ sẽ không thể chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực mà chỉ có "sự tiếp nối quyền lực". Câu nói này như một lời khẳng định ngầm rằng ông Trump sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống, nếu phần thắng thuộc về ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ.

Nhưng theo trang tin The Hill, trái ngược với những phát biểu của Tổng thống Trump, nhiều nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đều nhất trí rằng bất kỳ quá trình chuyển giao quyền lực nào đều phải diễn ra một cách hòa bình, kể cả khi kết quả bầu cử Tổng thống có thể bị trì hoãn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, dù thường xuyên từ chối bình luận về những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Trump, song mới đây đã viết trên Twitter rằng người chiến thắng vào ngày 3/11 tới vẫn sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau, và quá trình chuyển giao vẫn sẽ diễn ra một cách "có trật tự" như những gì đã xảy ra từ năm 1792 đến nay.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ và cũng là một người trung thành với ông Trump, cho biết trên Fox News rằng nếu thất bại trong cuộc bầu cử, hoặc nếu Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết có lợi cho ứng cử viên Joe Biden, thì đảng của ông vẫn sẽ chấp nhận kết quả trên.

Dù không trực tiếp gọi tên ông Trump, nhưng trên Twitter cá nhân, một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida), Thượng nghị sĩ Mitt Romney (bang Utah), và Hạ nghị sĩ Liz Cheney (bang Wyoming), đã bày tỏ quan ngại về những quan điểm của Tổng thống Mỹ.

Theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio, như những gì đã thực hiện trong hơn 2 thế kỷ qua, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vẫn sẽ diễn ra một cách hợp pháp và công bằng. “Có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường để biết được kết quả cuối cùng, nhưng nó sẽ là một kết quả hợp lệ. Và vào trưa ngày 20/1 năm 2021, Tổng thống vẫn sẽ tuyên thệ trong hòa bình,” ông Rubio cho biết.

Hạ nghị sĩ Liz Cheney, con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, có chung quan điểm với Thượng nghị sĩ Rubio. Bà cho rằng việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình là điều đã được ghi rõ trong Hiến pháp và là nền tảng cho sự tồn tại nền Cộng hòa của nước Mỹ. “Các nhà lãnh đạo của Mỹ đã tuyên thệ trước Hiến pháp. Nên chúng tôi sẽ giữ vững lời tuyên thệ đó,” bà Cheney viết trên Twitter.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ Mitt Romney đưa ra cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ trở thành “Belarus thứ hai” nếu Tổng thống Trump thất cử vào tháng 11 tới nhưng không chấp nhận từ chức. Ông Romney nhấn mạnh, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một vị tổng thống không có khả năng tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp Mỹ đều là những điều không thể tưởng tượng và chấp nhận được.

Dù vậy, một số thành viên Cộng hòa của Quốc hội Mỹ vẫn ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump. Họ phản bác những lời phản đối bằng việc dẫn lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đã công khai kêu gọi ứng cử viên Biden không nhượng bộ ông Trump “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, vì bà cho rằng kết quả bầu cử sẽ “kéo dài” trong trường hợp các lá phiếu được bầu qua đường bưu điện.

Phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Grassley từ bang Iowa cho biết ông rất lo lắng trước lời khuyên của Hillary Clinton dành cho ông Joe Biden: “Chúng ta có Hiến pháp và Hiến pháp quy định rõ khi nào nhiệm kỳ tổng thống sẽ kết thúc. Bà Hillary Clinton đưa ra lời khuyên như vậy đối với ông Biden là không tốt chút nào.”

Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, nói ông không quan tâm đến những phát biểu của Tổng thống Trump, và khẳng định quá trình chuyển giao quyền tổng thống Mỹ, nếu có, vẫn sẽ diễn ra trong hòa bình.

Tổng thống Donald Trump trước đó từng nhiều lần từ chối nêu quan điểm về việc có chấp nhận kết quả bầu cử trong năm nay hay không. Thậm chí, ông Trump từng nói đùa về việc muốn được tại vị thêm một số nhiệm kỳ nữa, bất chấp Hiến pháp Mỹ quy định mỗi đời tổng thống chỉ được giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ.

Nhưng việc ông Trump tỏ ý từ chối một quá trình chuyển giao chức Tổng thống trong hòa bình là điều mà các đối thủ của ông cho rằng đã đi quá xa.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng không có gì ngạc nhiên với phát biểu của Tổng thống Trump, và bà “cảm thấy buồn” khi các phóng viên cảm thấy bắt buộc phải đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này.

Còn khi được hỏi về động thái trên của ông Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trả lời ngắn gọn rằng Tổng thống Mỹ đang nói những điều quá phi lý, và ông không lấy làm ngạc nhiên về điều đó.

Việt Anh 

Ông Trump tuyên bố 'trận chiến bầu cử kết thúc tại tòa tối cao'

Ông Trump tuyên bố 'trận chiến bầu cử kết thúc tại tòa tối cao'

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa từ chối cam kết chuyển giao quyền lực hoà bình nếu thất bại trước đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 tới.

Ai sẽ thắng trong trận so găng Trump - Biden đầu tiên?

Ai sẽ thắng trong trận so găng Trump - Biden đầu tiên?

Trong 90 phút tranh luận trực tiếp lần đầu tiên vào ngày 29/9, Tổng thống Donald Trump và đối thủ Dân chủ Joe Biden sẽ trải qua 6 "hiệp đấu" 15 phút, xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau.