Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nêu ra như vậy trong bài viết có tiêu đề "Thế kỷ châu Á gặp nguy: Mỹ, Trung Quốc và hiểm họa đối đầu", đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs ngày 4/6.
VietNamNet xin dịch và đăng lại bài viết này:
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. (Ảnh: Reuters) |
"Những năm gần đây, mọi người nói rằng thế kỷ tiếp theo sẽ là thế kỷ của châu Á và Thái Bình Dương, như thể chắc chắn sẽ như vậy. Tôi không đồng ý với quan điểm này", nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra lập luận đó với Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi năm 1988.
Hơn 30 năm sau, mọi sự diễn ra đúng như đánh giá của ông Đặng Tiểu Bình.
Sau nhiều thập niên đạt được những thành công kinh tế ấn tượng, châu Á ngày nay là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong thập niên này, các nền kinh tế châu lục sẽ lớn hơn các nền kinh tế khác gộp lại. Tuy nhiên, cảnh báo của ông Đặng Tiểu Bình vẫn còn đó: Một thế kỷ châu Á không những không thể tránh né được mà còn không thể định trước được.
Châu Á đã trở nên thịnh vượng nhờ Pax Americana (Hòa bình kiểu Mỹ) - mở ra từ khi kết thúc Thế chiến 2 - tạo ra một bối cảnh chiến lược thuận lợi. Nhưng giờ đây, mối quan hệ vô vàn khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu vấn đề phức tạp cho tương lai châu Á và hình dạng của một trật tự quốc tế đang nổi lên. Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore, đặc biệt quan tâm vì họ sống trong giao thoa lợi ích giữa các cường quốc khác nhau và phải làm sao không bị kẹt ở giữa hoặc buộc phải có những lựa chọn khiên cưỡng.
Hiện trạng ở châu Á phải thay đổi. Nhưng liệu hình dạng mới có mang lại thành công lớn hơn hay đem đến sự bất ổn nguy hiểm? Điều đó phụ thuộc vào những lựa chọn mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra, riêng rẽ và kết hợp. Hai cường quốc phải xây dựng một modus vivendi (thỏa thuận giữa các bên có ý kiến, quan điểm khác nhau) cạnh tranh ở một số lĩnh vực mà không để sự kình địch hủy hoại sự hợp tác ở những lĩnh vực khác.
Các nước châu Á coi Mỹ là một cường quốc thường trú có nhiều lợi ích sống còn trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc hiện hữu ngay ngưỡng cửa. Họ không muốn phải chọn lựa giữa hai bên. Nếu Washington cố sức kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc Bắc Kinh muốn thiết lập ảnh hưởng độc quyền ở châu Á - thì họ sẽ bắt đầu một tiến trình đối đầu mà rốt cuộc kéo dài nhiều thập niên, đặt thế kỷ châu Á vào hiểm họa.
Hai giai đoạn Pax Americana
Pax Americana ở châu Á trong thế kỷ 20 có hai giai đoạn tách biệt.
Giai đoạn đầu từ 1945 đến những năm 1970, trong những thập niên đầu của Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các đồng minh ganh đua ảnh hưởng với khối Xô Viết. Mặc dù Trung Quốc tham gia cùng Liên Xô để đối đầu với Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Hàn Quốc và Việt Nam, nền kinh tế nước này vẫn tập trung và bị cô lập, và Bắc Kinh chỉ duy trì một số liên kết kinh tế với các quốc gia châu Á.
Trong khi đó, ở các nơi khác thuộc châu Á, các nền kinh tế thị trường tự do đang cất cánh. Nhật là sớm nhất, sau đó đến các nền kinh tế công nghiệp hóa ở một số nước và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và đảo Đài Loan.
Nước làm cho sự ổn định và thịnh vượng ở châu Á trở nên có thể chính là Mỹ. Nước này đã giành được một trật tự toàn cầu mở, tích hợp và dựa trên các quy tắc, cung cấp một chiếc ô an ninh mà bên dưới nó, các nước trong khu vực có thể hợp tác và cạnh tranh một cách hòa bình.
Các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đã đầu tư rộng rãi vào châu Á, mang theo vốn, công nghệ và những ý tưởng. Khi Washington thúc đẩy thương mại tự do và mở cửa các thị trường Mỹ ra thế giới, thương mại giữa châu Á và Mỹ tăng nhanh.
Hai sự kiện quan trọng hồi những năm 1970 đã đưa Pax Americana vào giai đoạn mới: Chuyến thăm bí mật tới Trung Quốc năm 1971 của Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó, đã đặt nền móng cho mối quan hệ Mỹ - Trung sau nhiều năm thù địch và dẫn tới sự ra đời năm 1978 của chương trình "cải cách và mở cửa" của ông Đặng Tiểu Bình cho phép nền kinh tế Trung Quốc cất cánh.
Vào cuối thập niên, các rào cản kinh tế đã giảm bớt, và thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng. Sau khi Chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến ở Campuchia kết thúc, Việt Nam và những nước Đông Dương khác có thể tập trung năng lượng và nguồn lực của mình cho phát triển kinh tế, và họ bắt đầu bắt kịp với phần còn lại của châu Á.
Nhiều quốc gia châu Á từ lâu xem Mỹ và các nước phát triển khác như đối tác kinh tế chủ chốt của mình. Nhưng giờ đây, họ đang nắm bắt các cơ hội mà sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc tạo ra. Thương mại và du lịch với Trung Quốc lớn mạnh, các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ. Trong vòng vài thập niên, Trung Quốc từ chỗ không có ảnh hưởng nhiều về kinh tế với phần còn lại của châu Á đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực. Sự ảnh hưởng của nước này trong các vấn đề khu vực vì thế ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Pax Americana vẫn hiện hữu và những thay đổi căn bản trong vai trò của Trung Quốc đã diễn ra trong khuôn khổ của nó. Trung Quốc không ở vị thế thách thức sự ưu việt của Mỹ và cũng không muốn làm như vậy. Thay vào đó, nước này điều chỉnh như tuyên bố của ông Đặng Tiểu Bình: Giấu mình chờ thời (Che giấu sức mạnh, chờ đợi thời cơ), ưu tiên hiện đại hóa các lĩnh vực công nghệ và khoa học, công nghiệp, nông nghiệp... lên trên phát triển sức mạnh quân sự.
Nhờ vậy, các nước Đông Nam Á được hưởng những điều tốt nhất của cả hai thế giới, tạo dựng các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi duy trì quan hệ bền chặt với Mỹ và các nước phát triển khác. Họ cũng tăng cường quan hệ với nhau và cùng phối hợp để tạo ra một cấu trúc mở cho sự hợp tác bắt nguồn từ ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). ASEAN đóng vai trò trung tâm hình thành Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989, thiết lập diễn đàn khu vực ASEAN năm 1994, và tổ chức hội nghị Đông Á thường niên kể từ 2005.
Trung Quốc tham gia đầy đủ vào những tiến trình này. Hàng năm, Thủ tướng Trung Quốc đều tới một nước thành viên ASEAN để gặp gỡ lãnh đạo các nước trong khối, chuẩn bị kỹ lưỡng để giải thích cách thức Bắc Kinh coi trọng khu vực và mang theo các đề xuất để mở rộng sự hợp tác với họ.
Và khi vai trò của Trung Quốc trong khu vực lớn lên, nước này đưa ra các sáng kiến của riêng mình, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường, và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Những sáng kiến đó càng thắt chặt sự ràng buộc của Trung Quốc với các láng giềng, và tất nhiên nâng cao tầm ảnh hưởng.
Nhưng bởi vì cấu trúc khu vực mở nên ảnh hưởng của Trung Quốc không phải duy nhất. Mỹ vẫn là một thành viên quan trọng, củng cố an ninh và ổn định khu vực, đồng thời mở rộng tham gia về kinh tế thông qua các sáng kiến như Đạo luật sáng kiến Tái đảm bảo châu Á và đạo luật BUILD (Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển).
ASEAN cũng có các cơ chế đối thoại chính thức với Liên minh châu Âu và Ấn Độ cùng nhiều nước khác. ASEAN tin rằng một mạng lưới kết nối như vậy sẽ tạo ra một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ hơn, có thêm không gian để thúc đẩy các lợi tích tập thể trên phạm vi quốc tế.
Cho đến nay, công thức này đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nền tảng chiến lược của Pax Americana đã thay đổi cơ bản. Trong 4 thập niên kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã chuyển mình. Khi các năng lực về kinh tế và công nghệ cùng ảnh hưởng chính trị tăng theo cấp số nhân thì triển vọng của nước này với thế giới cũng thay đổi.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không còn viện dẫn câu châm ngôn "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc tự coi mình là cường quốc châu lục và khao khát trở thành một cường quốc hàng hải; nước này đã hiện đại hóa quân đội và muốn trở thành một lực lượng chiến đấu đẳng cấp thế giới. Ngày càng tăng và khá dễ hiểu, Trung Quốc muốn bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của mình ở bên ngoài, đảm bảo những gì nước này nhìn nhận là vị trí xứng đáng của mình trong các vấn đề quốc tế.
Cùng lúc đó, Mỹ - vẫn là cường quốc ưu việt nhiều mặt - đánh giá lại chiến lược lớn của mình. Khi tỷ lệ GDP toàn cầu của Mỹ giảm đi, chưa rõ liệu nước này có tiếp tục đảm đương gánh nặng duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, hay lại theo đuổi cách tiếp cận "nước Mỹ trước tiên" để bảo vệ các lợi ích của mình. Vì Mỹ đặt ra các câu hỏi cơ bản về trách nhiệm của mình trong hệ thống toàn cầu, mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh được xem xét kỹ càng hơn.
Thanh Hảo (Dịch)
Phần 2: Các lựa chọn của Mỹ và Trung Quốc