Theo Tân Hoa Xã, trong tháng 7, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do các nhà máy đẩy mạnh sản xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 0,2%, ghi nhận mức tăng trưởng tích cực lần đầu tiên trong năm 2020. Các chỉ số kinh tế chủ chốt khác cũng có dấu hiệu phục hồi. 

{keywords}
Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát tỉnh An Huy ở miền đông Trung Quốc ngày 18/8. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong khi đó, Trung Quốc đang phải gồng mình đối phó các trận mưa lũ lớn mùa hè. Các nguồn lực được huy động mạnh mẽ, các chiến dịch sơ tán được thực hiện quy mô lớn và phản ứng khẩn cấp được triển khai ở mức độ cao tại một số tỉnh hứng chịu thiên tai khốc liệt nhất.

Vậy, Trung Quốc đã đảm bảo sự an toàn và cuộc sống của người dân như thế nào khi cùng lúc hứng hai cú sốc?

Tân Hoa xã chỉ ra rằng, có nhiều giải đáp cho câu hỏi này, từ năng lực phục hồi kinh tế đến các khía cạnh của hệ thống quản trị.

Hãng thông tấn này cho biết, là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất, Trung Quốc đang có trong tay các nguồn lực và không gian để vượt qua những cú sốc ngắn hạn. Nước này cũng đủ sức phục hồi nhanh ngay khi tình hình được kiểm soát.

Chẳng hạn, nhờ tăng trưởng kinh tế kết hợp với nâng cấp các cơ sở phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai, thiệt hại kinh tế trực tiếp của Trung Quốc do mưa lũ tính theo tỷ lệ phần trăm GDP đã giảm dần trong 5 trận lụt lớn kể từ năm 1997, với trận lụt năm 2016 gây thiệt hại kinh tế trực tiếp chưa đến 0,5%.

{keywords}
Nhiều khu vực của Trung Quốc bị ngập lụt do mưa quá lớn nhiều ngày qua. Ảnh: China Daily

Tân Hoa xã cho rằng, nỗi lo thiếu lương thực giữa đại dịch và lũ lụt là không cần thiết. Bởi, dự trữ gạo và lúa mì có thể nuôi sống toàn dân Trung Quốc trong 1 năm, với tỷ lệ ngũ cốc bình quân đầu người cao hơn tiêu chuẩn an ninh lương thực quốc tế.

Khả năng tập hợp các nguồn lực cho các dự án lớn là một yếu tố chủ chốt nữa góp phần vào thành công của Trung Quốc trong ngăn chặn dịch bệnh và kiểm soát lũ lụt, theo Tân Hoa xã.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, các doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang các sản phẩm và vật liệu thiết yếu như khẩu trang và chất khử trùng, đóng góp lớn vào tổng năng lực sản xuất quốc gia.

{keywords}
Trung Quốc đã đạt nhiều thành công trong kiểm soát Covid-19. Ảnh: Tân Hoa xã

Dự án Tam Hiệp - hệ thống kiểm soát thủy lợi đa chức năng được xây dựng bằng các nguồn lực đầu vào khổng lồ và năng lực công nghệ của đất nước - đã chứng tỏ hiệu quả trong kiểm soát lũ trên sông Dương Tử nhờ lịch xả nước chuẩn xác từ hồ chứa.

Theo Edelman Trust Barometer 2020, Trung Quốc một lần nữa giữ được ngôi vị hàng đầu trong 28 thị trường đã phát triển và mới nổi được khảo sát trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn lây lan khắp thế giới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cần được mở rộng.

Áp lực về việc làm vẫn cao vì số lượng sinh viên tốt nghiệp năm nay ở mức kỷ lục 8,74 triệu người, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đứng trước khó khăn trong sản xuất và hoạt động.

Dù vậy, Tân Hoa xã khẳng định Trung Quốc có nhiều lý do để lạc quan. Với niềm tin và sự kỳ vọng tăng cao, thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của nước này sẽ duy trì đà phục hồi trong nửa sau của năm 2020.

Thanh Hảo

Video nước lũ tràn tới chân tượng Đại Phật tại Trung Quốc

Video nước lũ tràn tới chân tượng Đại Phật tại Trung Quốc

Mực nước ở nhiều con sông tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc dâng cao đã khiến thắng cảnh tượng Đại Phật ở địa phương này cũng chịu cảnh ngập lụt.

Đập Tam Hiệp chịu đợt lũ khủng khiếp nhất từ năm 2003

Đập Tam Hiệp chịu đợt lũ khủng khiếp nhất từ năm 2003

Hồ chứa Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, hôm nay (19/8), đối mặt đợt lũ nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chứa nước năm 2003.