Ca nhiễm ở Singapore cao kỷ lục
Guardian dẫn tin từ Bộ Y tế Singapore cho biết, ngày 30/9 nước này ghi nhận 2 ca tử vong và 2.478 ca nhiễm mới. Đây là số ca nhiễm virus corona cao nhất ở nước này kể từ khi đại dịch bùng phát. Hai ca tử vong đều chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và đều có nhiều bệnh nền.
Ngày 30/9 là ngày thứ ba liên tiếp Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục. Hôm 29/9, số ca mắc Covid-19 ở nước này là 2.268 trường hợp.
Tính tới nay, Singapore ghi nhận tổng cộng 96.521 trường hợp mắc Covid-19 kể từ đầu đại dịch.
Malaysia áp dụng tiêm phòng bắt buộc với nhân viên chính phủ
Theo ChannelNewsAsia, Malaysia ngày 30/9 cho biết, nước này yêu cầu tất cả các nhân viên chính phủ liên bang phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trừ một số trường hợp ngoại lệ liên quan tới vấn đề sức khoẻ.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Malaysia đang tìm cách tăng tỷ lệ tiêm chủng với mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số vào cuối năm.
Malaysia là một trong những nước triển khai vắc xin nhanh nhất ở Đông Nam Á, với 61% trong tổng số 32 triệu dân đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong một tuyên bố mới đây, cơ quan Dịch vụ công cho biết, việc bắt buộc các nhân viên liên bang phải tiêm phòng Covid-19 là nhằm nâng cao lòng tin của công chúng và đảm bảo rằng các dịch vụ của chính phủ có thể hoạt động suôn xẻ.
Gần 98% công chức nước này đã tiêm phòng Covid-19, nhưng vẫn còn khoảng 1,6% trong tổng số 1,6 triệu công chức chưa đăng ký tiêm. Những người này sẽ phải hoàn thành tiêm phòng trước 1/11.
Philippines mất 10 năm phục hồi kinh tế sau Covid-19
Trang CNA dẫn lời một quan chức Philippines ngày 30/9 cho biết, nền kinh tế nước này sẽ mất hơn một thập niên để khôi phục mức tăng trưởng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Quan chức này cũng cảnh báo, hai thế hệ người Philippines tiếp theo sẽ phải trả các tổn thất do Covid-19 gây ra.
Các đợt phong toả và những biện pháp hạn chế khác nhằm làm chậm sự lây lan của virus corona đã tác động mạnh tới nền kinh tế của Philippines, khiến hàng triệu người mất việc và làm hàng triệu gia đình nghèo rơi vào cảnh đói ăn.
Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Karl Kendrick Chua nói: “Chi phí lâu dài mà thế hệ hiện tại và tương lai của Philippines phải gánh chịu vì dịch Covid-19 và các biện pháp chống dịch có thể lên tới 41.400 tỷ Peso (tương đương 810 tỷ USD). Con số này cao hơn gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, mà Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính là 361,5 tỷ USD. Xã hội Philippines sẽ cảm nhận được những tổn thất này trong 10 đến 40 năm tới”.
Hàng loạt nước châu Phi đạt mục tiêu tiêm chủng
Tờ Guardian dẫn tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, 15 quốc gia châu Phi đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9.
Mục tiêu trên được Đại hội đồng Y tế thế giới đặt ra cho mỗi quốc gia trên thế giới vào đầu năm nay. Trong khi 90% các quốc gia giàu có đã đạt mục tiêu thì chưa đầy 1/3 các quốc gia châu Phi đạt được mục tiêu này do họ phải chờ đợi lâu hơn mới có vắc xin và chỉ nhận được nguồn cung hạn chế.
Hiện, chỉ 2% số vắc xin được tiêm trên toàn cầu là ở châu Phi.
WHO cho biết, hầu hết 15 quốc gia châu Phi đạt mục tiêu tiêm chủng đều có dân số tương đối ít và đã nhận được số vắc xin yêu cầu.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Hoài Linh
Singapore cùng lúc phá 3 kỷ lục, EU siết chặt xuất khẩu vắc xin Covid-19
Biến thể Delta đã khiến cho Singapore đứng trước tình trạng báo động đỏ khi nước này đã cùng lúc phá 3 kỷ lục buồn trong 24 giờ qua.
- (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).