Tại cuộc thảo luận trực tuyến "Xây lại thế giới - Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng toàn cầu" do Liên minh Lãnh đạo thế giới phối hợp với Diễn đàn Boston toàn cầu đồng tổ chức ngày 28/10, ông Zlatko Lagumdzija, cựu Thủ tướng Bosnia giai đoạn 2001 - 2003 nhấn mạnh, khái niệm "tin giả" mới được dùng phổ biến trong vài năm trở lại đây nhưng tin giả, bao gồm cả những thông tin bịa đặt và thông tin sai sự thật, đã tồn tại từ rất lâu ở khắp mọi nơi.

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF, Mỹ), nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet và ông Ramu Damodaran, Tổng Biên tập Tạp chí Biên niên sử của Liên Hợp Quốc cùng điều phối phiên thảo luận ngày 28/10/2021.

Căn nguyên của tin giả

Theo ông Lagumdzija, ngoài những lợi ích không thể phủ nhận, công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đặc biệt với AI và khả năng học máy, còn tạo ra nền tảng mới cho việc tăng cường và truyền phát tin giả ngày càng dữ dội hơn trước. Điều này là vì, tương tự như năng lượng nguyên tử, công nghệ nói chung và các máy tính cũng như AI nói riêng, đều có thể được khai thác để phục vụ mục đích tốt hay xấu tùy vào người sử dụng.

Sự ra đời của các thiết bị công nghệ mới, sự phổ biến của các mạng xã hội cùng xu hướng chuyển đổi số đang định hình cách thế giới tiếp cận và xử lý thông tin. Trong một thế giới ngày càng phân cực, dù ở phạm vi một quốc gia/vùng lãnh thổ hay quốc tế, sự phát triển nở rộ của các dạng truyền thông phi truyền thống đang gây sức ép và tạo ra nhiều hoài nghi về tính độc lập của các phương thức truyền thông truyền thống, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với các nhà cung cấp thông tin.

Ông Lagumdzija nêu ví dụ, công nghệ phát triển đã mang đến những phương tiện vận động, tuyên truyền trực tuyến, các nền tảng dịch vụ mới tiếp cận công dân từ xa nhưng cũng dẫn đến các nguy cơ thao túng dư luận, gây phương hại cho sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử. Việc chống lại tin giả do đó đã trở thành vấn đề đau đầu đối với thế giới.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ David Silbersweig, giáo sư Trường Y Havard bày tỏ, các thành tựu về công nghệ, AI và các mạng xã hội đang khuếch đại cả cái tốt và cái xấu của hệ sinh thái thông tin, tạo ra những thách thức về trật tự chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, trật tự của các quốc gia và của toàn cầu.

Chuyên gia này cho rằng, tin giả là sản phẩm của những thế lực chống khai sáng, đang tìm cách làm gia tăng sự phân cực và xung đột gây hại cho các nền dân chủ. Vì vậy, việc nhận diện ai là các đối tượng đang truyền bá những thông tin sai lệch, thông tin bóp méo sự thật và ai là những đối tượng dễ bị tổn thương hay thao túng trước các tin giả đó rất quan trọng, giúp mang tới giải pháp cho vấn đề.

Theo ông Silbersweig, các đối tượng đang truyền bá tin giả có thể là các băng nhóm tội phạm, tin tặc, bọn khủng bố hoặc các tổ chức, cá nhân đang theo đuổi những mục đích xấu xa, muốn khuếch đại ảnh hưởng, phá hoại hoặc gieo rắc sự sợ hãi, bất ổn... một cách có chủ ý. Những người dễ bị ảnh hưởng có thể là bất kỳ ai, từ già đến trẻ, khi bị bủa vây bởi các luồng thông tin sai lệch, bịa đặt, cực đoan và định kiến, rồi tiếp nhận chúng không kiểm chứng hoặc không có cách kiểm chứng hiệu quả.

{keywords}
Hai diễn giả tại buổi tọa đàm là cựu Thủ tướng Zlatko Lagumdzija (trái) và giáo sư Trường Y Havard David Silbersweig. 

Giải pháp chống tin giả

Cựu Thủ tướng Bosnia lưu ý, ở thời đại hiện nay, hệ sinh thái thông tin mới được xây dựng là kết quả của các thành tựu công nghệ và các khía cạnh của nền dân chủ. Hệ sinh thái thông tin có thể được sàng lọc thông qua hai kiểu là phát triển tự do không giới hạn hoặc chịu sự kiểm soát, quản lý.

Ông Lagumdzija tin chỉ có 2 bối cảnh lý tưởng, hạn chế được sự phát triển của tin giả. Một là, bối cảnh trong đó những bên tham gia tạo lập hệ sinh thái thông tin tuân thủ nguyên tắc dân chủ, nhiệt huyết vì cộng đồng và thực hiện các hoạt động được thúc đẩy bởi công chúng. Hai là, bối cảnh trong đó hầu hết các bên tham gia tạo lập hệ sinh thái thông tin một cách ổn định nhất, hoạt động vì những mục đích được thúc đẩy bởi các nhu cầu hợp pháp nhất định.

Để xây dựng được các bối cảnh tích cực trên, ông Lagumdzija đề xuất bộ giải pháp gồm 3 bước. Thứ nhất là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách hệ thống. Thứ hai là các chính phủ xây dựng một hệ thống quy phạm quản lý, khuyến khích và trao thưởng cho những nỗ lực, đóng góp của nhà cung cấp thông tin đảm bảo duy trì, thúc đẩy lợi ích của cộng đồng, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm. Thứ ba là nhân đôi các nguồn cung cấp thông tin tốt, vì thuốc giải độc, giúp tiêu diệt tin giả chính là những thông tin đúng đắn vì lợi ích cộng đồng.

Về phần mình, giáo sư Silbersweig ủng hộ cách tiếp cận hai hướng song hành, vừa bảo vệ những phần tử tốt, vừa đẩy lui những phần tử xấu trong hệ sinh thái thông tin. Các quốc gia cũng cần phải vạch ra một kế hoạch hành động khôn ngoan hơn, dựa vào khoa học, kể cả khoa học thần kinh, tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học, khoa học chính trị và các phát hiện trong lĩnh vực giáo dục, rồi sau đó tận dụng các công cụ số hiện nay để tạo lập chính quyền quản lý thông minh, ủng hộ sự khai sáng... làm lá chắn hùng mạnh trước tin giả. 

Ông Silbersweig đề xuất, một việc làm thiết thực cho kế hoạch tổng thể nói trên là tập trung cho giáo dục, do giới trẻ là lực lượng đông đảo đang tiếp cận Internet và khai thác các thành tựu công nghệ. Giáo dục không chỉ nhắm đến việc biết đọc, biết viết mà còn xây dựng cho các công dân tương lai tư duy phản biện khi tiếp nhận, đánh giá thông tin, hiệu chỉnh và quản lý các nguồn cung cấp tin hiệu quả hơn. Quá trình này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và hành động, bao gồm cả các khế ước xã hội và một bộ nguyên tắc khai sáng được xây dựng kỹ lưỡng, để xây dựng cho mỗi cá nhân khả năng chống chịu hoặc ít bị tổn hại hơn trước tin giả.

Tuấn Anh

'Xây lại thế giới - Tạo dựng kỷ nguyên ánh sáng toàn cầu'

'Xây lại thế giới - Tạo dựng kỷ nguyên ánh sáng toàn cầu'

Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF) và Liên hợp quốc (Bộ phận Ảnh hưởng học thuật - UNAI) hôm nay 21/6/2021 phát hành cuốn sách “Xây lại thế giới - Tạo dựng kỷ nguyên ánh sáng toàn cầu”.