Báo South China Morning Post trích dẫn cảnh báo hôm 9/6 của nhà chức trách Trung Quốc cho hay: "Bộ Giáo dục khuyến cáo các du học sinh nên tiến hành đánh giá các rủi ro một cách thích hợp và vào thời điểm này nên thận trọng khi chọn đến Australia hoặc quay trở lại Australia để học tập".

{keywords}
 

Trước đó, ngày 5/6, Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc đã phát đi một cảnh báo tương tự, khuyến nghị các công dân nước này không nên đến Australia do gia tăng các sự cố phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á.

Giới quan sát nhận định, các tuyên bố nói trên cho thấy rõ những gì Bắc Kinh coi là "thái độ chống Trung Quốc" ở Australia. Mối quan hệ song phương đã xấu đi kể từ năm 2017, khi các cuộc thảo luận về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Australia bắt đầu thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Một thượng nghị sĩ Australia sau đó cũng từ chức vì mối quan hệ với một nhà tài trợ chính trị người Trung Quốc.

Căng thẳng giữa hai nước leo thang hồi giữa tháng 4 năm nay, khi Canberra kêu gọi quốc tế xúc tiến một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19. Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye đáp trả bằng đe dọa rằng, người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay thịt bò và rượu vang của Australia để trả đũa. Trong tháng tiếp theo, Bắc Kinh đã áp giới hạn nhập khẩu đối với thịt bò và lúa mạch xuất xứ Australia.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne cáo buộc Bắc Kinh "bức bách kinh tế", đồng thời khẳng định đó "không phải là phản ứng thích hợp" trước các lời kêu gọi điều tra về dịch bệnh.

Các diễn biến tiêu cực khiến các nhà phân tích tin có rất ít triển vọng về việc quan hệ giữa hai nước sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới đây.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với xuất khẩu quặng sắt, khí đốt và than đá đóng một vai trò quan trọng. Các khoản đầu tư nước ngoài, du học sinh và khách du lịch từ Trung Quốc cũng mang tới một nguồn doanh thu lớn cho Australia.

Tuấn Anh