Theo tờ Guardian, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã phát cảnh báo toàn cầu cho các lực lượng hành pháp thuộc 194 quốc gia thành viên, yêu cầu các nước chuẩn bị đối phó với viễn cảnh các băng nhóm tội phạm có tổ chức tìm cách lũng đoạn thị trường vắc-xin Covid-19 vì lợi nhuận khổng lồ từ nguồn thu mới mẻ này.

{keywords}
Cảnh báo đáng sợ từ Interpol liên quan tới dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Interpol Juergen Stock cho biết, "trong lúc các chính phủ đang chuẩn bị triển khai vắc-xin, các nhóm tội phạm đã lên kế hoạch thâm nhập hoặc làm gián đoạn nguồn cung. Chúng sẽ nhắm mục tiêu vào người cả tin, thông qua trang web giả, phương thuốc giả, gây nguy hại lớn cho sức khỏe, tính mạng của người dân".

Theo báo Guardian, phân tích của đơn vị tội phạm mạng thuộc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế về khoảng 3.000 trang web dược phẩm trực tuyến bị nghi bán các sản phẩm bất hợp pháp, cho thấy hơn 1.700 trang sử dụng các mánh khóe để lừa đảo người dân cung cấp dữ liệu cá nhân hoặc chứa các phần mềm độc hại.

“Điều quan trọng là phải cảnh giác, hoài nghi và tỏ ra thận trọng trước những lời đề nghị tốt đến mức khó tin”, Interpol cảnh báo.

Hôm 2/2, Anh trở thành nước phương Tây đầu tiên phê duyệt lưu hành vắc-xin ngừa Covid-19. Đó là loại vắc-xin do hãng Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, việc tiêm chủng bất kỳ loại vắc-xin ngừa Covid-19 nào đều dựa trên tinh thần tự nguyện và không bắt buộc.

Dịch tiếp tục lan rộng ở nhiều nước

Trong khi đó, theo thống kê trên trang Worldometer, tính đến 6h sáng nay (3/12), dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, lây nhiễm cho hơn 64,7 triệu người, trong đó gần 1,5 triệu người đã tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 44,8 triệu người đã khỏi bệnh sau quá trình điều trị.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng số người nhiễm bệnh và tử vong kể từ đầu dịch tới nay lần lượt là 14.284.995 và 279.523. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.531.295 người nhiễm Covid-19 và 138.628 ca trong đó đã tử vong. Tiếp đến là Brazil với 6.436.650 ca nhiễm bệnh, bao gồm 174.515 ca tử vong.

Tại châu Âu, khu vực đang gánh chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, Nga thông báo đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay với 589 trường hợp, nâng tổng số lên 41.053 người. Nước Nga cũng có thêm 25.345 ca mới, nâng tổng số ca bệnh lên 2.347.401, cao thứ 4 trên thế giới.

Tại châu Á, Nhật Bản ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày, với 41 trường hợp, trong khi số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 493 người. Trong khi ở Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun ngày 2/12 cho biết số người phải cách ly tại nhà ở quốc gia này đã tăng lên mức cao nhất, trên 70.000 người.

Tại Đông Nam Á, dịch Covid-19 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 28.125 người dân ở khu vực này, tăng 164 trường hợp so với một ngày trước, trong khi số người mắc bệnh tăng lên 1.209.648 trường hợp. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.051.112 trường hợp.

WHO ban hành hướng dẫn mới

Tổ chức Y tế thế giới đưa ra hướng dẫn mới, siết chặt hơn việc đeo khẩu trang ở vùng dịch. Người dân vùng dịch nên luôn đeo khẩu trang ở cửa hàng, nơi làm việc và trường học không đủ thông thoáng. Ở nhà, nếu không thể duy trì khoảng cách ít nhất 1m, mọi người nên đeo khẩu trang. Người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài nếu không thể giữ khoảng cách với nhau.

WHO khuyên người dân nếu ở các địa điểm trong nhà không đủ thoáng khí, cũng nên đeo khẩu trang loại thông thường, bất kể có duy trì được khoảng cách ít nhất 1m hay không. WHO khuyến nghị đeo khẩu trang các loại tại toàn bộ các cơ sở y tế, kể cả những khu vực chung như quán cafe và phòng làm việc cho nhân viên.

Còn đối với nhân viên y tế, WHO cho rằng lực lượng này nên đeo khẩu trang N95 khi chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng biện pháp bảo vệ tốt nhất đã được chứng minh là nhân viên y tế phải đeo khẩu trang N95 hoặc tương đương, cùng kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, áo choàng và găng tay.

Nga tiêm vắc-xin hàng loạt từ tuần tới

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Phó thủ tướng Tatiana Golikova bắt đầu triển khai tiêm chủng hàng loạt vắc-xin phòng ngừa Covid-19 tại nước này vào tuần tới.

Ông cho hay, “tôi biết chúng ta đã hoặc sẽ sản xuất được hơn 2 triệu liều vắc-xin Sputnik V trong những ngày tới, đây là vắc-xin đầu tiên trên thế giới được đăng ký. Điều này cho phép chúng ta bắt đầu tiêm chủng quy mô lớn, thậm chí là hàng loạt”. Ông nhấn mạnh, giáo viên và nhân viên y tế sẽ được tiêm chủng đầu tiên.

“Nếu các bạn cảm thấy chúng ta đã sẵn sàng cho bước đi này, tôi sẽ yêu cầu các bạn làm công tác tổ chức để chúng ta có thể bắt đầu tiêm chủng vắc-xin hàng loạt trước cuối tuần tới”, Tổng thống Nga tuyên bố.

Dương Lâm

Nhật Bản thông qua luật phân phát miễn phí vắc-xin Covid-19

Nhật Bản thông qua luật phân phát miễn phí vắc-xin Covid-19

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sẽ đảm bảo đủ liều lượng vắc-xin cho "toàn bộ người dân trong nước" vào nửa đầu năm tới.

Các loại vắc-xin Covid-19 trên thế giới hoạt động thế nào?

Các loại vắc-xin Covid-19 trên thế giới hoạt động thế nào?

Có tổng cộng 8 công ty khác nhau trên thế giới cùng tham gia vào cuộc đua vắc-xin Covid-19.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.