Theo ông Bryant, ông Biden đã giúp xoa dịu những căng thẳng chính trị giữa lúc biểu tình bạo lực lan khắp xứ cờ hoa.

{keywords}
Nhà lập pháp thuộc Công đảng Anh Chris Bryant (phải) đề cử cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Ảnh: Sky News

"Khi các thành phố Mỹ đang chìm đắm trong biển lửa và người dân bị đẩy vào tình cảnh chống lại nhau, Joe đã trở thành một thế lực xoa dịu. Khi những người khác tìm tới các giải pháp bạo lực, ông ấy tuyên bố rằng, lực lượng tốt nhất là sức mạnh của lập luận, vì súng có thể khiến trái tim ngưng đập nhưng những lời nói đúng chỗ có thể thay đổi nhiều trái tim và nhiều trái tim có thể thay đổi thế giới”, ông Bryant cho biết hôm 28/9.

Phát biểu đề cử của nhà lập pháp Anh được đưa ra chỉ hai ngày trước cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ. Đối thủ của ông Biden - đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đề cử giải Nobel Hòa bình tới 3 lần trong năm nay, trong đó lần gần đây nhất là hôm 28/9 với sự đề cử của các giáo sư luật Australia, những người ca ngợi "học thuyết Trump" chống lại các cuộc chiến tranh bất tận.

Các đề cử khác dành cho ông Trump đến từ thành viên Quốc hội Thụy Điển Magnus Jacobsson, người tin lãnh đạo Nhà Trắng đã giúp mang đến một thỏa thuận hòa bình và kinh tế giữa Serbia - Kosovo và đề cử của nhà lập pháp Na Uy Christian Tybring-Gjedde với lý do ông Trump có công làm trung gian hòa giải cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Chính quyền Trump sau đó đã thúc đẩy thỏa thuận bằng cách thuyết phục Bahrain cùng tham gia với UAE trong một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái.

Theo báo RT, mặc dù ông Bryant ca ngợi những nỗ lực của ông Biden trong việc xoa dịu bạo động ở Mỹ, nhưng ứng cử viên Dân chủ thực tế gần như giữ im lặng về những hành động bạo lực của nhiều cuộc biểu tình Antifa và chống phân biệt chủng tộc ở xứ cờ hoa thời gian qua. Ngay cả người dẫn chương trình CNN Don Lemon cũng lên tiếng cảnh báo hồi cuối tháng 8 rằng, các vụ bạo động khắp nước Mỹ cũng như thất bại của ông Biden và các chính khách Dân chủ khác trong việc lên án và ngăn chặn tình trạng bạo lực có thể là "điểm mù" khiến cựu Phó Tổng thống mất phiếu ủng hộ trong ngày bầu cử quốc gia 3/11 tới đây.

Việc ông Biden được đề cử Nobel Hòa bình cũng khiến những người chỉ trích bất bình vì họ cho rằng, chính khách này đã ủng hộ chiến tranh và can thiệp quân sự khi còn là thượng nghị sĩ và sau đó là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama.

Cụ thể, ông Biden không chỉ bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq do chính quyền George W. Bush khởi xướng năm 2003, mà còn tán thành việc loại bỏ lãnh đạo Iraq Saddam Hussein năm 1998. Ông biden cũng từng bỏ phiếu ủng hộ chính quyền Bill Clinton cùng NATO đánh bom Serbia năm 1999 và hậu thuẫn chính quyền Obama can thiệp quân sự vào Syria.

Chính quyền Obama - Biden còn bị tố trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ - năm 2016 đã cho thả hơn 26.000 quả bom khắp thế giới và mở rộng sự hiện diện của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tới 70% các quốc gia trên thế giới, nhiều hơn gấp đôi mức trước đó dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Tuấn Anh

Trận 'so găng' đầu tiên Trump-Biden quan trọng tới mức nào?

Trận 'so găng' đầu tiên Trump-Biden quan trọng tới mức nào?

Cuộc tranh luận đầu tiên trước tổng tuyển cử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với đối thủ Joe Biden có thể trở thành tâm điểm chú ý.

Vợ Joe Biden tiết lộ cách chồng chuẩn bị 'so găng' với ông Trump

Vợ Joe Biden tiết lộ cách chồng chuẩn bị 'so găng' với ông Trump

Jill Biden, vợ của ứng viên Dân chủ Joe Biden khẳng định chồng bà đã "sẵn sàng" đối mặt với Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa họ trước tổng tuyển cử Mỹ.