Trong một bài viết trên Diễn đàn Đông Á ngày 21/7, Tiến sĩ Swee Kheng Khor, chuyên gia về các chính sách y tế độc lập ở Kuala Lumpur, Malaysia, phản ánh rằng chỉ có ba quốc gia trong khu vực dường như kiểm soát dịch bệnh tương đối ổn. Brunei không có ca nhiễm nào trong cộng đồng kể từ tháng 5/2020. Singapore đạt được tỷ lệ xét nghiệm tương đối cao (2,2 xét nghiệm trên đầu người so với chỉ 0,04 của Indonesia). Và Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực (0,71 phần triệu – một con số ấn tượng với dân số 96 triệu người). 

Trong khi đó, Thái Lan có 6.884 ca nhiễm trong năm 2020, nhưng đã ghi nhận 220.000 ca kể từ đầu năm nay. Malaysia có 113.000 người dương tính với Covid-19 trong năm 2020, nhưng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 592.000 trường hợp. Dịch bệnh ở Indonesia càng khủng khiếp, khiến gần 33.000 người tử vong trong nửa đầu năm 2021.

{keywords}
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một phụ nữ ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters

Theo ông Khor, đại dịch thực sự là một phép thử dài lâu về năng lực của nhà nước, tiềm tàng nhiều thử thách về chính trị và chính sách. Tuy nhiên, có nhiều cách giải thích vì sao ở cùng một khu vực nhưng các nước đang trong tình cảnh dịch bệnh khác nhau.  

Các quốc gia thực hiện nhiều xét nghiệm hơn (Singapore và Việt Nam) dường như làm tốt hơn những nước không xét nghiệm (Indonesia và Philippines). Những nước có một chính phủ trung ương mạnh mẽ (Brunei, Singapore và Việt Nam) dường như cũng có khả năng điều phối các phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội tốt hơn.  

Mặc dù nhiều sự kiện quần chúng đã bị cấm trong năm 2020 và cả 2021, người Indonesia vẫn tìm mọi cách để tránh né và về quê dự lễ Eid Al-Fitr vào tháng 5 vừa qua. Người Thái vẫn tổ chức Tết Songkran - lễ hội té nước - vào tháng 4. Kết quả là, hai tuần sau đó, cả Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. 

Theo vị chuyên gia, tốc độ tiêm vắc xin chậm dường như cũng là một yếu tố nhưng chỉ là phần nhỏ của lời giải thích. Tiêm chủng không gây ra những kết quả tồi tệ ở Việt Nam, nước có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 tính theo đầu người khiêm tốn ở Đông Nam Á.

Các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng là một lời giải thích khác cho các đợt bùng phát dịch tồi tệ trong năm 2021. Bộ Y tế Việt Nam chỉ ra nguyên nhân đợt dịch hiện nay là do nhiều biến thể virus dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, mức độ đe dọa đối với toàn Đông Nam Á rất khó định lượng.   

Vậy Đông Nam Á có thể lật ngược tình thế?

Theo tác giả, các chiến lược cần được thiết kế tốt hơn và bao gồm các giải pháp lẽ ra đã trở nên quen thuộc - thay đổi hành vi (mang khẩu trang và giãn cách), thử nghiệm, truy vết và cách ly, và các hạn chế di chuyển có mục tiêu trong thời gian ngắn (thay vì các đợt phong tỏa toàn quốc kéo dài). Việc thực thi chính sách phải dựa trên bằng chứng, có nguồn tài chính tốt và không quan liêu thái quá. Các chính sách nên tích hợp với dịch vụ y tế tư nhân, vì nó chiếm 53% ngành này ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng cần được thực hiện càng nhanh càng tốt. Các chính phủ có thể thiết lập các trung tâm tiêm chủng di động (chẳng hạn như ở Indonesia), khuyến khích thay đổi tâm lý do dự với vắc xin (như ở Philippines), hợp tác với khu vực tư nhân (ở Malaysia và Singapore), tự phát triển vắc xin trong nước (Việt Nam và Thái Lan), và cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí chặng cuối đến các trung tâm tiêm chủng.

Các quốc gia cũng nên chuẩn bị cơ sở hạ tầng về y tế, luật pháp, quy trình và chính trị cho các vấn đề liên quan tiêm chủng, ví dụ như hộ chiếu vắc xin và xét nghiệm kháng thể.

Các nước Đông Nam Á cần hợp tác tốt hơn và vươn ra ngoài biên giới quốc gia để tìm kiếm các giải pháp. Một hệ thống mua vắc xin tổng hợp có thể giúp ích và có thể được dựng theo mô hình quỹ quay vòng của Tổ chức Y tế liên Mỹ. Mua chung có thể giúp giảm chi phí, cải thiện công bằng và tăng sức mạnh đàm phán với với các hãng dược.   

Đông Nam Á cũng có thể tham gia tích cực hơn vào cuộc thảo luận về công bằng vắc xin và cải cách quản trị y tế toàn cầu. Các nước trong khu vực có thể tham gia nhiều hơn vào nỗ lực toàn cầu, nhằm đạt được sự miễn trừ bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ về hàng hóa y tế liên quan đến Covid-19. Điều này sẽ cho phép các nhà máy của Indonesia, Malaysia và Singapore sản xuất vắc xin để sử dụng trong khu vực.

Những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2021, bằng cách tiếp thu tốt hơn những bài học rút ra từ năm 2020 và từ các quốc gia khác. Sự phục hồi còn phụ thuộc vào hiểu biết khoa học, khả năng phán đoán tốt, và không kiêu ngạo hay tự mãn, theo Tiến sĩ Swee Kheng Khor.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).

 

Thanh Hảo

Indonesia, Thái Lan, Malaysia 'sa lầy' vì biến chủng Delta

Indonesia, Thái Lan, Malaysia 'sa lầy' vì biến chủng Delta

Ba quốc gia Đông Nam Á tiếp tục hứng chịu đợt dịch bùng phát mạnh mẽ chưa từng có do biến chủng Delta gây ra.