Khi dịch Covid-19 bùng phát khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ, các chuyên gia y tế lo ngại rằng, điều này có thể trở thành thảm họa đối với châu Phi, nơi có hạ tầng y tế nghèo nàn và thiếu thốn cơ sở xét nghiệm.

Tuy nhiên, tính đến 29/12/2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC) chỉ ghi nhận tổng cộng 2,6 triệu trường hợp dương tính và 63.300 trường hợp tử vong, trên tổng dân số 1,2 tỷ người tại châu lục này. Trung bình, cứ 500 người châu Phi thì chỉ có một người nhiễm Covid-19.

Dù những con số trên có thể không phản ánh đúng số ca nhiễm thực tế, do những hạn chế trong việc xét nghiệm Covid-19 tại châu Phi, song CDC khẳng định không một dấu hiệu nào cho thấy có một số lượng lớn các ca nhiễm Covid-19 bị bỏ sót. Điều này được thể hiện ở việc tình trạng quá tải bệnh viện hoặc nhà tang lễ diễn ra rất ít tại các nước châu Phi, so với những khu vực khác trên thế giới.

{keywords}
Dịch Covid-19 vẫn chưa trở thành một 'thảm họa' ở châu Phi. Ảnh: AP

Theo tạp chí TIME, độ tuổi trung bình thấp, khí hậu thuận lợi, các chính sách y tế vững chắc cùng số người mắc bệnh nền thấp…có thể là những yếu tố góp phần cho tiến trình phòng chống dịch hiệu quả tại châu lục này.

Sự chuẩn bị chu đáo

Dù nhiều nước châu Phi có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, nhưng bù lại, họ có kinh nghiệm dày dặn trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm. Thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì dịch Covid-19 vào 30/1 năm ngoái, các bác sĩ và giới chức y tế công cộng ở các nước châu Phi đã ngay lập tức hành động.

Bác sĩ Mosoka Fallah, chuyên gia y tế cộng đồng Liberia, cho biết với TIME vào tháng 3 năm ngoái rằng, từ những kinh nghiệm học được khi đối phó với dịch Ebola, ông và một nhóm quan chức y tế cộng đồng tại Liberia đã khởi động một chương trình đào tạo các bác sĩ và y tá tại các bệnh viện trong nước, nhằm giúp họ sớm nhận biết các triệu chứng của Covid-19.

Ông Fallah và các cộng sự đã phân phối nhiều dụng cụ xét nghiệm và lắp đặt lại các vòi nước rửa tay từng được sử dụng trong thời gian bùng phát dịch Ebola. Họ còn tăng cường các phương thức truy vết ca nhiễm và thiết lập các điểm xét nghiệm tại các sân bay, trước cả khi trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện tại Liberia.

Ý thức phòng dịch tốt

Kinh nghiệm phòng dịch tại châu Phi còn được thể hiện ở việc tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Nhiều người dân châu lục này đã quá quen với việc thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang phòng dịch.

Một khảo sát được thực hiện hồi tháng 8/2020 của tổ chức Đối tác Phản ứng có cơ sở với Covid-19 (PERC) cho thấy, 85% trong số những đối tượng khảo sát ở 18 quốc gia châu Phi nói đã thường xuyên đeo khẩu trang từ cách đây nhiều tuần.

Thực hiện phong tỏa sớm

Một số nước như Kenya hay Nigeria đã thực thi các biện pháp phong tỏa từ sớm và rất nghiêm ngặt, như đóng cửa biên giới, cấm tụ tập đông người, tạm ngưng việc học trực tiếp ở trường học… cùng nhiều lệnh giới nghiêm khác.

Dù không được khuyến khích vì nguy cơ gây thiệt hại kinh tế, nhưng các biện pháp này giúp các nhân viên y tế có thêm thời gian để chuẩn bị cơ sở chữa trị, trang bị các dụng cụ thiết yếu và học hỏi thêm những biện pháp điều trị đã được áp dụng ở những nơi khác.

Tuổi thọ trung bình thấp, ít người mắc bệnh nền

Theo nhà dịch tễ học Nam Phi Nandi Siegfried, một yếu tố khác dẫn đến tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 thấp của châu Phi là do độ tuổi trung bình của người dân nơi đây cũng rất thấp, chỉ xấp xỉ 19 tuổi. “Chúng tôi không có nhiều người trên 50 tuổi, trong khi virus corona thường nguy hiểm hơn ở những người lớn tuổi. Cho nên, có vẻ hợp lý khi nói tỷ lệ dân số trẻ hơn sẽ khiến tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 thấp hơn”, bà Siegfried cho biết.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc tiểu đường, béo phì hay cao huyết áp… cùng một số bệnh nền khác làm tăng nguy cơ tử vong bởi Covid-19, cũng ít phổ biến tại châu Phi hơn so với phần còn lại của thế giới.

Khí hậu và địa lý

Virus corona thường tan biến nhanh hơn ở bên ngoài, nơi các giọt dịch truyền nhiễm có thể dễ dàng bị phân tán trong không khí. Đó là lý do tại sao hầu hết giới chức y tế khuyến nghị các hoạt động công cộng, nếu cần thiết, nên được thực hiện ngoài trời.

Mùa lạnh ở châu Phi thường ôn hòa hơn, điều này có nghĩa là phần lớn hoạt động của người dân có thể được diễn ra bên ngoài, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông công cộng hạn chế cũng đồng nghĩa với việc ít có sự đi lại liên tục giữa các quốc gia và thành phố ở châu Phi. Điều này làm giảm thiểu đáng kể việc tiếp xúc gần và nguy cơ phơi nhiễm virus corona.

Giả thuyết về miễn dịch

Theo một số nhà dịch tễ học như Shabir Madhi, chuyên gia đầu ngành về Covid-19 tại Nam Phi, việc tiếp xúc thường xuyên với các mầm bệnh khác nhau trên thực tế có thể sản sinh nhiều kháng thể hơn đối với các biến thể virus corona nguy hiểm nhất.

“Có thể, điều kiện sống nghèo nàn lại là điều có lợi đối với chúng tôi. Tôi không chắc còn điều gì khác có thể giải thích được điều nghịch lý này", ông Madhi cho biết.

Tuy nhiên, một số nước khác trên thế giới, như Brazil, cũng có những điểm tương đồng về khí hậu, tuổi thọ dân số, điều kiện xã hội, y tế… so với châu Phi, nhưng vẫn có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn. Cho nên, phản ứng y tế sớm và quyết liệt mới được cho là yếu tố chính góp phần trì hoãn sự bùng phát dịch bệnh tại châu lục này.

Bác sĩ Shabir Madhi cho rằng, cho đến khi có đủ vắc-xin được phân phối trên toàn cầu, điều quan trọng nhất vẫn là tập trung vào các biện pháp ngoài dược phẩm để kiểm soát dịch Covid-19.

Việt Anh

Tổng thống Nga tính cấp ‘Hộ chiếu vắc-xin Covid-19’

Tổng thống Nga tính cấp ‘Hộ chiếu vắc-xin Covid-19’

Chính phủ Nga sẽ xem xét phát triển và phân phối các tài liệu mới cho những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, để hạn chế rủi ro khi đi lại quốc tế.

Nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Giới chức y tế Bồ Đào Nha đang điều tra cái chết đột ngột của một nhân viên y tế ở Porto. Cô này vẫn khoẻ mạnh khi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer.