Ít giờ sau khi Mỹ không kích giết chết thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, chính quyền Tổng thống Trump đã gửi một thông điệp khẩn qua kênh trung gian ở Tehran: Đừng leo thang.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Iran Markus Leitner gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2017. (Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Iran) |
Tạp chí Phố Wall dẫn lời các nhà chức trách Mỹ tiết lộ, thông điệp fax được mã hóa và gửi qua đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran, một trong những kênh liên lạc trực tiếp và tin cậy giữa Washington và Tehran.
Những ngày sau đó, Nhà Trắng và các lãnh đạo Iran đã trao đổi thêm nhiều tin nhắn nữa, trong đó hai bên dùng ngôn từ mềm mỏng và kiềm chế hơn so với những phát ngôn cứng rắn công khai của các chính trị gia.
Một tuần sau, và sau đòn không kích trả đũa của Iran nhằm vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq, Washington và Tehran dường như đã lùi xa thêm khỏi vực thẳm thù địch, và tinh thần này được giữ vững cho đến nay.
"Chúng tôi không liên lạc với phía Iran nhiều như vậy, nhưng khi chúng tôi liên lạc thì Thụy Sĩ đã đóng một vai trò chính trong truyền tải thông tin và tránh hiểu lầm", Tạp chí Phố Wall dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
Phát ngôn viên của phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về thông tin trên, nhưng nhấn mạnh "chúng tôi đánh giá cao [Thụy Sĩ] về bất kỳ nỗ lực nào mà họ đã thực hiện để cung cấp một kênh hiệu quả giúp trao đổi thư từ khi và nếu cần thiết".
Một quan chức Iran tiết lộ, kênh trung gian đã cung cấp một cầu nối khi tất cả các bên đều căng thẳng. "Ở sa mạc, chỉ một giọt nước thôi cũng vô cùng quý giá", người này bình luận.
Bức điện mã hóa đầu tiên của Mỹ đã được gửi đi ngay sau khi Washington xác nhận cái chết của tướng Soleimani - một nhân vật quyền lực đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Tin được gửi tới một máy fax trong phòng kín thuộc tòa sứ quán Thụy Sĩ - phương pháp kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 để Nhà Trắng trao đổi liên lạc với ban lãnh đạo cấp cao Iran.
Theo các nhà ngoại giao, thiết bị này hoạt động dựa trên một mạng lưới an toàn của chính phủ Thụy Sĩ, kết nối đại sứ quán Tehran tới Bộ Ngoại giao ở Bern và đại sứ quán Thụy Sĩ ở Washington. Chỉ có những quan chức cấp cao nhất mới có thẻ khóa sử dụng máy fax này.
Đại sứ Thụy Sĩ Markus Leitner - một nhà ngoại giao 53 tuổi - tận tay trao tin nhắn của Mỹ cho Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào sớm thứ Sáu (3/1), theo giới chức Mỹ và Thụy Sĩ. Tạp chí Phố Wall cho biết, ông Leitner không đưa ra bình luận nhưng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ xác nhận có sự trao đổi tin nhắn giữa Mỹ và Iran. Một quan chức thạo tin tiết lộ, Ngoại trưởng Iran Zarif đã rất tức giận và cho rằng "Mỹ là nguồn cơn của mọi vấn đề".
Các quan chức tình báo và ngoại giao Mỹ cho biết, đại sứ Thụy Sĩ thường xuyên tới Washington họp kín với Lầu Năm Góc. Ông Leitner đã dành nhiều ngày sau vụ Mỹ giết tướng Soleimani để thiết lập một kênh liên lạc cho hai bên nói thẳng quan điểm của mình. Những gì diễn ra bí mật trái ngược với những phát ngôn thẳng thừng mà Tổng thống Trump và ngoại trưởng Zarif đưa lên Twitter.
"Khi căng thẳng với Iran tăng cao, người Thụy Sĩ đóng một vai trò tin cậy và hữu ích mà cả hai bên đều đánh giá cao", một quan chức chính quyền Trump bình luận. "Hệ thống của họ giống như một tia sáng không bao giờ tắt".
Thanh Hảo