Bước sang năm 1942, ban lãnh đạo Đức quốc xã đứng đầu là Hitler nhận thấy rằng không thể đánh thắng Liên Xô bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, mà trước hết phải thủ tiêu các nguồn lực vật chất để Liên Xô suy kiệt trước khi bị đánh bại hoàn toàn.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, các nhà chiến lược quân sự Đức đã đưa ra kế hoạch tổng tấn công từ mùa hè năm 1942 mang mật danh chiến dịch Blau (Blau nghĩa là "xanh"), được Hitler phê duyệt ngày 11/4. Mục tiêu là đánh chiếm nốt phần phía đông còn lại của vùng công nghiệp Donbass và vựa lúa mỳ lớn nhất của Liên Xô khi đó - ở hạ lưu hai con sông Đông và Volga, cắt đứt và đánh chiếm nguồn dầu mỏ quan trọng của Liên Xô tại Kavkaz, tiến ra Trung Đông và xa hơn nữa, đến Ấn Độ.

Từ bắc xuống nam, mặt trận trải dài trên 3000km từ phía nam Oryol đến sườn phía bắc của dãy núi Kavkaz. Từ tây sang đông, nó có chiều sâu đến hơn 500km từ bờ tây sông Bắc Donets đến bờ tây sông Volga tại Stalingrad và xa hơn về phía đông nam, chỉ còn cách bờ biển Caspi gần 300km.

{keywords}
Binh sĩ Đức trong chiến dịch Blau. Ảnh: Wikipedia

Về tính chất địa hình, đây đều là những khu vực lý tưởng cho tác chiến hiệp đồng binh chủng, nơi các lực lượng xe tăng, cơ giới, pháo binh và không quân Đức có thể phát huy tối đa sức mạnh của chúng.

Theo kế hoạch, chiến dịch Blau gồm 4 bước: Bước 1, từ ngày 28/6 đến ngày 7/7/1942, đánh chiếm thành phố Voronezh; Bước 2, từ ngày 7/7 đến ngày 22/7, đánh chiếm vùng hạ lưu các con sông Đông và Bắc Donetsk, làm bàn đạp chuẩn bị tấn công Stalingrad và tiến vào Kavkaz; Bước 3, từ ngày 22/7 đến ngày 1/8, tiến hành chiến dịch Hoa tuyết nhung (Edelweiss), đánh chiếm thảo nguyên Kuban; Bước 4, bắt đầu từ ngày 1/8 với các cuộc tấn công trên hai hướng chính nhằm đánh chiếm Stalingrad và vùng dầu mỏ Baku; đây là hai mục tiêu cuối cùng mà quân đội Đức quốc xã không bao giờ thực hiện được.

Lực lượng trên bộ thực hiện chiến dịch này là Cụm tập đoàn quân Nam do Thống chế Fedor von Bock chỉ huy; tổng binh lực 2.012.120 binh lính và sĩ quan, hơn 2.570 xe tăng, 28.300 pháo và súng cối, 2.490 máy bay.. Đây là lần tập trung binh lực lớn thứ hai của quân đội Đức tại mặt trận phía đông, với quân số và số lượng phương tiện chỉ đứng sau chiến dịch Barbarossa và trở thành cuộc huy động lớn nhất quân đội Đức vào một hướng mặt trận trong Thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, đến ngày 7/7/1942, đã có sự thay đổi về bố trí binh lực cũng như trình tự tiến hành chiến dịch. Theo đó, Cụm tập đoàn quân Nam được chia thành Cụm tập đoàn quân A và Cụm tập đoàn quân B. Trong đó, Cụm tập đoàn quân A có nhiệm vụ tấn công về hướng Kavkaz, còn Cụm tập đoàn quân B có nhiệm vụ tiến về phía đông đến sông Volga và thành phố Stalingrad. Cả hai cụm quân đều được yểm trợ bằng Tập đoàn không quân số 4 của Thống chế không quân Wolfram von Richthofen.

Nhìn chung, mục đích cuối cùng của chiến dịch Blau thực chất vẫn là mục đích của chiến dịch Barbarossa mà trước đó một năm quân đội Đức quốc xã đã không đạt được. Những mục tiêu cơ bản cũng như ý đồ chiến lược và các chiến thuật quân sự được áp dụng trong chiến dịch Blau tương đối giống với chiến dịch Barbarossa, đến mức nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đã gọi “Blau” là một phiên bản của “Barbarossa”.

Trong giai đoạn cuối, giống như chiến dịch Barbarossa một năm trước đó, do các nỗ lực phòng ngự tích cực và các đòn phản kích liên tục của Hồng quân Liên Xô, quân đội Đức đã không đạt được mục tiêu cuối cùng và buộc phải chuyển sang phòng ngự trên toàn mặt trận.

Nắm được quyền chủ động chiến lược, quân đội Liên Xô huy động những lực lượng dự bị to lớn, tiến hành phản công, tiêu diệt một lực lượng lớn quân Đức trên cả hai chiến trường Volga-Đông và Bắc Kavkaz, chiếm lại Stalingrad, đánh bật quân Đức khỏi Bắc Kavkaz và Kuban, đẩy quân Đức lùi về bên kia tuyến sông Bắc Donets, chiếm lại Rostov và phát triển tấn công về hướng Dnepropetropavlovsk và Zaporozhye.

Chiến dịch Blau có quy mô không thua kém chiến dịch Barbarossa nhưng đối với quân đội Đức quốc xã, nó lại trở thành một chiến dịch thất bại còn lớn hơn cả chiến dịch Babarossa.

Nếu như trong chiến dịch Babarossa, quân Đức chỉ để thua một trận chiến lược ở ngoại vi Moscow và có thể nhanh chóng phục hồi sau một “giấc ngủ đông”, thì chiến dịch Blau đã tiêu hao một lượng lớn nhất quân đội Đức (1.890.320 người, trong đó 1.243.590 người chết và mất tích, 656.730 người bị thương). Và chỉ có những lực lượng mới được đưa từ Đức, Pháp và Đông Âu sang vào giai đoạn sau của chiến dịch mới giúp cho mặt trận phía đông của quân Đức tránh khỏi sự đổ vỡ toàn diện

Chiến dịch Blau với cái trục xoay là trận Stalingrad cho thấy một tương lai không sáng sủa cho Đế chế thứ ba và quân đội Đức quốc xã trong thời gian còn lại của Thế chiến.

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Nguyên Phong

Mười “đòn chí mạng” của Hồng quân Liên Xô giáng vào phát xít Đức

Mười “đòn chí mạng” của Hồng quân Liên Xô giáng vào phát xít Đức

Đây là cách nhà lãnh đạo I.V.Stalin miêu tả 10 chiến dịch tấn công chiến lược mà Hồng quân Liên Xô tiến hành trong năm 1944.

Trận đánh oai hùng của Liên Xô phá vỡ âm mưu man rợ của Đức quốc xã

Trận đánh oai hùng của Liên Xô phá vỡ âm mưu man rợ của Đức quốc xã

Trận Leningrad là một trong các trận đánh có số dân thường thiệt mạng cao nhất trong toàn bộ chiến tranh Xô-Đức.