“Ngày trận chiến” của không quân

{keywords}

Sau khi buộc Pháp đầu hàng vào cuối tháng 6/1940, phát xít Đức mở chiến dịch “Sư tử biển”, tấn công nước Anh qua eo biển Manche nhằm tiêu diệt sinh lực vật lực, phá huỷ tiềm năng kinh tế - quốc phòng của xứ sở sương mù, rồi sau đó đổ bộ, chiếm giữ những cơ quan đầu não và chiếm đóng lâu dài nước này.

Chuẩn bị cho chiến dịch, phát xít Đức đã huy động 3 tập đoàn quân không quân gồm hơn 2.500 máy bay các loại và khoảng 260.000 quân lính. 

Ngày 16/7/1940, không quân Đức bắt đầu oanh tạc tàu thuyền của Anh qua lại trên vùng biển Manche nhằm mục đích khống chế toàn bộ vùng eo biển này, đồng thời thu hút một lực lượng tiêm kích đáng kể của Anh tham chiến để tiêu diệt. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận đụng độ, không quân Anh đã thay đổi chiến thuật, chuyển máy bay vào sâu hơn trong đất liền để hạn chế sức mạnh tấn công của không quân Đức.

Đến ngày 13/8, quân Đức thay đổi chiến thuật, huy động hàng ngàn lượt máy bay, đồng loạt tấn công các sân bay, trạm radar và nhà máy sản xuất máy bay ở miền Nam và miền Bắc nước Anh. Tuy nhiên, những cuộc đột kích này của không quân Đức đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ bất ngờ của không quân Anh.

Liên tục trong những ngày sau đó, để duy trì thế trận trên không cũng như gây sức ép lên chính phủ Anh, không quân Đức tiếp tục oanh tạc nhiều cơ sở sản xuất, sân bay, nhà ga, bến cảng trên khắp các vùng miền nước Anh, kể cả ném bom rải thảm xuống thủ đô London. Trận đánh ác liệt nhất được biết đến với tên gọi “Ngày trận chiến nước Anh” giữa không quân Anh và không quân Đức diễn ra vào ngày 15/9. Trong ngày hôm đó, lực lượng không quân Anh đã bắn hạ gần 200 máy bay Đức. Trong khi đó, không quân Anh cũng phải chịu những thất bại không nhỏ với khoảng hơn 100 chiếc bị bắn rơi.

Không đạt được mục tiêu hủy diệt nước Anh, hủy diệt tiềm năng công nghiệp của Anh, Hitler đành phải ra lệnh giảm dần các cuộc oanh kích và chính thức ngừng tấn công Anh quốc vào ngày 30/10/1940. Đây là thất bại nặng nề đầu tiên của các lực lượng quân sự Đức quốc xã kể từ đầu Thế chiến thứ II, với tổng số máy bay bị bắn hạ lên đến 1.733 chiếc, kéo theo sự phá sản của kế hoạch “Sư tử biển”.

Mặc dù cũng phải chịu những thiệt hại không nhỏ với khoảng 1.000 chiếc máy bay bị bắn rơi, hàng chục ngàn người chết và bị thương, nhiều thành phố, cơ sở sản xuất bị hủy hoại nhưng cuối cùng Anh đã giành chiến thắng trước lực lượng không quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Nước Anh không những không bị đánh gục mà còn đủ sức mạnh tham gia lực lượng Đồng minh góp phần tiêu diệt nước Đức phát xít.

Trận chiến Alamein

Tháng 6/1942, Thống chế Đức Erwin Rommel dẫn lực lượng Đức-Ý dưới quyền  mà nòng cốt là Tập đoàn quân châu Phi tiến về phía Ai Cập, đe dọa quyền kiểm soát kênh đào Suez của Anh. Tại khu vực Alamein nằm ở bờ biển phía bắc Ai Cập, Rommel đụng đầu với lực lượng phòng thủ Đồng minh (Anh, Ấn Độ, Úc, Nam Phi và New Zealand, trong đó chủ yếu là quân Anh) thuộc Tập đoàn quân 8 Anh do tướng Claude Auchinleck chỉ huy. Đây chính là trận Alamein thứ nhất. 

Sau gần một tháng chiến đấu (từ 1 đến 27/7/1942), Tập đoàn quân 8 Anh tổn thất trên 13.000 người nhưng đã ngăn được đà tiến công của quân đội phe Trục vào Alexandria, Cairo và kênh đào Suez. Dù vậy, Rommel đã tiến hành chấn chỉnh giúp đội quân kiệt sức của ông ta tập hợp lại được. Ông ta vẫn đóng quân ở gần Alamein chỉ cách thành phố Alexandria có 106 km, do vậy, vẫn có khả năng đe dọa lực lượng Đồng minh. Trong khi đó, Tập đoàn quân 8 của Đồng minh nhiều lần phản công nhưng đều thất bại. Cuối cùng, đến cuối tháng 7/1942, tướng Auchinleck cho hủy bỏ mọi hoạt động tấn công nhằm củng cố lại lực lượng.

Đầu tháng 8/1942, Thủ tướng Anh quyết định cử Trung tướng Bernard Montgomery lên thay Auchinleck làm Tư lệnh Tập đoàn quân 8.

Sau 6 tuần lễ tập hợp lực lượng, Tập đoàn quân 8 của Anh đã sẵn sàng tấn công, bắt đầu trận Alamein thứ hai (23/10 đến 7/11/1942). Quân của Montgomery với 220.000 lính, 1.100 xe tăng vượt trội quân của Rommel gồm 115.000 lính và 559 xe tăng.

Kết thúc trận đánh, quân Đồng minh đẩy lui được các đội quân Đức-Ý ra khỏi lãnh thổ Ai Cập. Tập đoàn quân của Rommel chịu thiệt hại thê thảm trong trận Alamein thứ hai này: mất 75.000 lính, 500 xe tăng và nhiều vũ khí nặng. Rommel đã phải thực hiện chiến thuật tinh vi chia tàn quân thành nhiều toán nhỏ và rút lui từng đợt qua các kẽ hở giữa các đơn vị quân Đồng minh.

Mặc dù quân Đức dưới quyền Rommel đã chiến đấu dũng cảm và gây tổn hại nặng nề cho quân Anh, tuy nhiên, thất bại tại Alamein đã buộc Rommel chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là rút quân, bất chấp lệnh của Hitler phải cố giữ. Thất bại ở Alamein cùng với thảm bại ở Stalingrad trên mặt trận Xô-Đức đã đập tan huyền thoại “bất khả chiến bại” của quân đội Đức quốc xã.

Chiến thắng trong trận Alamein của quân Anh được xem là thắng lợi quan trọng nhất của nước này, cũng là thắng lợi trên bộ quyết định nhất của khối Đồng minh cho đến thời điểm ấy. Từ sau trận Alamein, người Anh không bao giờ bị người Đức đánh thua một trận bi đát nữa.

Trận Alamein thứ hai cũng được coi là thành công nhất của tướng Montgomery, đưa tên tuổi ông vào hàng những vĩ nhân lịch sử quân sự nước Anh.

Nguyên Phong  

Đề xuất quan trọng của Liên Xô làm thay đổi cục diện Thế chiến thứ hai

Đề xuất quan trọng của Liên Xô làm thay đổi cục diện Thế chiến thứ hai

Từ rất sớm, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, Liên Xô đã đề xuất thành lập một liên minh với Anh, Pháp, Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bulgaria để chống lại Đức Quốc xã.

Bí mật về nhân chứng sống tại tòa án xử phát xít

Bí mật về nhân chứng sống tại tòa án xử phát xít

Ngày 20/11/1945, Tòa án quốc tế Nurnberg bắt đầu xét xử 25 tên trùm phát xít Đức vì tội ác chống lại loài người trong Thế chiến thứ Hai.