Dựa theo kết quả khảo sát mẫu tính đến tháng 2/2017 đối với hơn 43.000 người sinh sống ở 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức Dalia Research đã thống kê 5 cái tên hàng đầu, được coi là "thiên đường xe máy" trên thế giới.
Cảnh tắc đường vào giờ cao điểm ở Hà Nội. Ảnh: VietNamNet |
Theo Dalia Research, văn hóa giao thông của Việt Nam xoay quanh xe máy, với 79% người dân sử dụng phương tiện này để đi lại hoặc phục vụ các nhu cầu khác hàng ngày. Chỉ tính riêng ở thủ đô Hà Nội, số xe máy lưu thông lớn hơn nhiều tổng số hộ gia đình trong thành phố.
Việt Nam đã trở thành điểm đến đáng mơ ước của các du khách quốc tế thích rong ruổi bằng xe máy. Họ có thể đi "phượt", khám phá đó đây trên khắp dải đất hình chữ S bằng phương tiện giao thông này.
Xe buýt kẹt cứng trong vòng vây của hàng ngàn xe máy trên đường phố TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VietNamNet |
Tuy nhiên, các du khách nước ngoài được cảnh báo có thể đối mặt với tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm, tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Theo các chuyên gia, tình trạng "vỡ trận" xảy ra khi lượng lớn xe máy phải chen chúc hoạt động cùng các phương tiện giao thông khác như xe buýt, ôtô cá nhân, taxi hay xe đạp trên những con đường chật hẹp.
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: The Jakarta Post |
Indonesia chỉ đứng sau Việt Nam trong bảng xếp hạng của Dalia Research, với tỉ lệ người dân sử dụng xe máy khoảng 67%. Thống kê cho thấy, từ năm 2002 - 2010, số lượng xe máy được đăng ký sử dụng ở quốc gia Đông Nam Á này đã tăng lên gấp đôi. Các ứng dụng mới nhằm cung cấp dịch vụ xe ôm cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Ảnh: The Jakarta Post |
Năm 2016, Alfini Lestari, một nữ đầu bếp Indonesia 34 tuổi bất ngờ nổi tiếng khi trên mạng lan truyền ảnh chụp cô đang giận dữ giang tay cản những người đi xe máy tràn lên vỉa hè để thoát tắc đường ở Jakarta.
Xe máy là một trong những phương tiện giao thông ưa thích của người Đài Loan. Ảnh: Video Blocks |
Đài Loan (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có mật độ xe máy cao thứ 3 trên thế giới, với 48% người dân sử dụng phương tiện này để đi lại. Tuy nhiên, bằng những chính sách giao thông hợp lý cùng ý thức của người dân được nâng cao, nơi này rất hiếm khi xảy ra tình trạng tắc đường. Chính quyền còn khuyến khích mọi người dùng xe máy điện để giảm ô nhiễm môi trường.
Đường phố của Đài Bắc khá rộng, có nhiều làn xe, nhưng xe máy vẫn đi chung đường cùng với ôtô. Để tránh xe máy lấn đường ôtô dễ gây ùn tắc, đặc biệt là tại các giao lộ, nhà chức trách quy định các xe máy muốn rẽ trái thì phải đến chờ ở phần đường cắt cùng những xe khác. Họ cũng không được lấn sang phần đường của người đi bộ.
Người dân Đài Loan đã thực hiện đúng theo những quy tắc giao thông đã được ban hành. Họ kiên nhẫn đỗ xe đợi cho đến khi có tín hiệu được phép sang đường mới tiếp tục đi. Văn hóa giao thông rất nghiêm túc và văn minh giúp lý giải vì sao mật độ xe máy tại đây rất đông nhưng lại hạn chế được tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông.
Thành phố Mumbai của Ấn Độ là một trong những đô thị có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất trên thế giới. Ảnh: Business Insider |
Theo tạp chí Times, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường lớn nhất cho các loại xe hai bánh. Ở nơi đất chật người đông này, xe máy là một trong những phương tiện phổ biến nhất, với tỉ lệ người dùng chiếm tới 40% tổng dân số.
Ở hầu hết các thành phố lớn của Ấn Độ, cảnh "vỡ trận" xảy ra thường xuyên với hàng trăm, hàng ngàn xe máy chen chúc hoạt động cùng ôtô, xe 3 bánh và xe đạp trên những đường phố đông đúc, chật hẹp.
Ảnh: The Express Tribune |
Đứng thứ 5 trong danh sách "các thiên đường xe máy" của Dalia Research là Pakistan, với 35% người dân thường xuyên sử dụng xe máy. Tại Pakistan, xe máy là phương tiện đi lại yêu thích của nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ, những người mong muốn độc lập và có nhiều quyền bình đẳng hơn trước nam giới.
Cảnh vỡ trận do dừng đỗ xe máy bất hợp lý ở Lahore, thành phố đông dân thứ hai ở Pakistan. Ảnh: The Express Tribune |
Tương tự như ở nước láng giềng Ấn Độ, tình trạng kẹt xe cũng xảy ra như cơm bữa tại Pakistan. Chính sách quản lý xe máy chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu thốn, lạc hậu trong khi ý thức của người điều khiển phương tiện chưa cao khiến ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi tại các thành phố lớn của quốc gia Nam Á này, chẳng hạn như Lahore.
Tuấn Anh