Trang Worldometers thống kê, tính tới ngày 18/2, Ấn Độ hiện vẫn là "ổ dịch" lớn thứ hai toàn cầu sau Mỹ với hơn 10,9 triệu ca dương tính với virus corona chủng mới, trong đó 156.038 trường hợp đã tử vong. Song, gần 10,7 triệu bệnh nhân đã hồi phục sau điều trị, tương đương tỉ lệ ca bệnh được chữa khỏi là hơn 96,8%.

{keywords}
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ có xu hướng giảm mạnh tính tới ngày 11/2/2021. Nguồn: Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, BBC

Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, nước này đang chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục giảm kể từ giai đoạn đỉnh điểm hồi giữa tháng 9/2020. Dữ liệu thống kê của Reuters và BBC xác nhận xu hướng này.

Tính trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày, quốc gia đông dân thứ hai thế giới ghi nhận hơn 11.000 ca mắc mới, giảm 12% so với mức đỉnh điểm vào ngày 17/9/2020, dù nhà chức trách vẫn tiếp tục các nỗ lực xét nghiệm quy mô lớn và phát hiện thêm các chùm lây nhiễm mới bùng phát tại một số thành phố như thủ đô New Delhi.

Số ca tử vong vì dịch ở Ấn Độ cũng giảm đáng kể so thời kỳ đỉnh điểm giữa tháng 9 năm ngoái (trung bình hơn 1.100 ca/ngày) và kể từ đầu tháng 2 năm nay ở ngưỡng dưới 100 ca/ngày.

Hơn một nửa số bang trên toàn quốc hiện không báo cáo có trường hợp bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng. Hôm 9/2, New Delhi, nơi từng là "điểm nóng" về dịch lần đầu tiên không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào trong vòng 10 tháng qua.

Số ca tử vong tính trên 1 triệu dân ở Ấn Độ hiện là 112 ca, thấp hơn nhiều so với các mức được ghi nhận ở châu Âu và Bắc Mỹ. Thực tế một lần nữa cho thấy xu hướng giảm không phải vì quốc gia này tiến hành xét nghiệm ít hơn.

Theo BBC, hầu hết các đại dịch thường tăng và giảm theo đường cong hình chuông. Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, nước này cũng chứng kiến tỷ lệ nhiễm và không qua khỏi cao ở những người trên 65 tuổi sống ở các thành phố đông đúc, tương tự như xu hướng lây nhiễm bệnh trên khắp thế giới.

Căn nguyên giảm

Tiến sĩ Shahid Jameel, một nhà virus học hàng đầu khẳng định không có gì bất thường hay "phép màu" giúp giảm số ca mắc và tử vong ở Ấn Độ. Ông Jameel và các chuyên gia khác cho rằng, tình hình dịch bệnh được cải thiện tại nước này có thể bắt nguồn từ nhiều lí do.

Trước hết, từ cuối tháng 3 năm ngoái, Ấn Độ đã nhanh chóng triển khai một đợt phong tỏa sớm trên toàn quốc nhằm chặn đứng sự phát tán của virus. Các nhà khoa học tin, giai đoạn đóng cửa kéo dài gần 70 ngày nói trên đã giúp Ấn Độ ngăn chặn rất nhiều ca mắc cũng như thiệt mạng vì mầm bệnh nguy hiểm.

Thứ hai, dịch ở Ấn Độ diễn tiến theo kiểu "miếng vá", tức là số ca tăng và giảm vào các thời điểm khác nhau ở những vùng khác nhau của đất nước. Số người nhiễm ở các thành phố, đặc biệt tại những khu ổ chuột chật chội và các quận phát triển, có mức đô thị hóa cao cũng thường cao hơn tại những thị trấn nhỏ hơn hoặc các làng mạc nông thôn.

{keywords}
Xu hướng giảm số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở một số bang của Ấn Độ tính tới ngày 11/2/2021. Nguồn: Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, BBC

Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm đang chậm lại ở hầu hết các khu vực đô thị. Chuyên gia Jameel nêu ví dụ, ở một số thành phố lớn như New Delhi, Mumbai, Pune hay Bangalore, có tới 60% người được phát hiện đã có kháng thể virus, ám chỉ họ đã từng mắc bệnh.

Thực tế dẫn đến một giả thuyết cho rằng Ấn Độ có thể đã và đang để lọt không ít ca nhiễm, chủ yếu vì lượng lớn người mắc không bộc lộ triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ, rồi tự khỏi bệnh trước khi được cơ quan y tế xét nghiệm hoặc điều trị.

Tình trạng lây nhiễm giảm tốc ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng được tin do các chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt và người dân tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của nhà chức trách, như thường xuyên đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng chất diệt khuẩn cũng như giãn cách xã hội. Các trường học, công ty, văn phòng tạm thời đóng cửa và hầu hết mọi người hoạt động trong những lĩnh vực không thiết yếu được phép làm việc tại nhà.

Các nhà khoa học cũng nhận định, tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp hơn có liên quan đến dân số trẻ, khả năng miễn dịch tốt, đông đảo cư dân ở vùng nông thôn rộng lớn không có mối liên hệ đáng kể nào với các thành phố, các đặc tính di truyền, sự thích nghi điều kiện vệ sinh kém và lượng protein bảo vệ phổi dồi dào.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn sự lây nhiễm do virus lây lan trong không gian đóng kín, ở những hạt nhỏ li ti lơ lửng trong không khí tù đọng bên trong những căn phòng thông gió kém. Trong khi, hơn 65% dân Ấn Độ sinh sống và làm việc tại vùng nông thôn.

Tại các thành phố, phần lớn lực lượng lao động của Ấn Độ tham gia vào nền kinh tế phi chính thức. Điều này có nghĩa nhiều người trong số họ, chẳng hạn như công nhân xây dựng hoặc người bán hàng rong không làm việc trong không gian đóng kín, nên có nguy cơ lây nhiễm virus thấp hơn.

Ấn Độ đã đạt miễn dịch cộng đồng?

Trong dư luận hiện có ý kiến cho rằng, diễn biến dịch tích cực ở Ấn Độ có thể do nước này đã đạt miễn dịch cộng đồng. Song, Bhramar Mukherjee, giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), người theo dõi chặt chẽ tình hình Covid-19 trên thế giới, không tán đồng quan điểm này.

{keywords}
Người dân Ấn Độ thực hiện giãn cách xã hội khi xếp hàng mua đồ bơ sữa. Ảnh: PTI

Theo các chuyên gia, miễn dịch cộng đồng hay còn gọi là miễn dịch bầy đàn xảy ra khi phần lớn cộng đồng trở nên miễn dịch trước một loại bệnh thông qua tiêm chủng hoặc sự lây lan diện rộng của mầm bệnh.

Kết quả một số nghiên cứu về các kháng thể với virus corona chủng mới ở Ấn Độ hé lộ, 21% người trưởng thành và 25% trẻ em đã nhiễm virus. 31% người sống trong các khu ổ chuột, 26% dân số thành thị không cư trú trong các khu ổ chuột và 19% sống ở các vùng nông thôn đã phơi nhiễm virus. Song, các chuyên gia cho rằng những con số này vẫn còn quá thấp để đạt miễn dịch cộng đồng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng tin hiện còn quá sớm để có thể khẳng định Ấn Độ đã tránh được làn sóng lây nhiễm thứ hai. Một số học giả lo ngại, quốc gia Nam Á có thể chứng kiến ​​sự bùng phát các ca mắc vào thời điểm bắt đầu các cơn gió mùa cũng như mùa cúm, vốn kéo dài từ tháng 6 - 9 hàng năm và thường gây lũ lụt nghiêm trọng ở đây.

Một nhà dịch tễ học giấu tên chia sẻ, các chuyên gia chỉ có thể đánh giá đầy đủ về diễn tiến đại dịch ở Ấn Độ khi giai đoạn này kết thúc.

Một mối lo ngại hiện hữu nữa với nhà chức trách địa phương là các biến thể mới của virus có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi và Brazil, được tin nguy hiểm hơn chủng virus ban đầu. Tính đến hết tháng 1 năm nay, Ấn Độ ghi nhân hơn 160 ca nhiễm biến thể từ Anh. Hiện vẫn chưa rõ liệu những biến thể khác đã phát tán ở nước này hay chưa.

Các nhà khoa học cho biết Ấn Độ có đủ các phòng thí nghiệm khoa học, nhưng việc giải trình tự bộ gien vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho một người dân ở bang Kerala, Ấn Độ. Ảnh: PTI

Trong lúc chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để dập dịch, New Delhi đang cố gắng tăng tốc chiến dịch tiêm chủng đại trà cho người dân, với khoảng 6 triệu mũi tiêm đã được thực hiện trong không đầy một tháng.

Reuters thống kê, cho đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã tiêm ít nhất gần 9 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho dân. Nếu mỗi người cần tiêm đủ 2 liều thì số vắc-xin nói trên mới đủ chủng ngừa cho 0,3% dân số nước này.

Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu dân vào tháng 8 để đảm bảo làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ không bùng phát dữ dội trong nước. Các bác sĩ và nhà khoa học cũng kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, tránh tụ tập và đến những nơi đông người, thường xuyên đeo khẩu trang và vệ sinh tay nhằm đưa đất nước sớm thoát khỏi đại dịch.

Tuấn Anh

Ấn Độ gặp sự cố tiêm chủng, Israel náo loạn vụ tiêm vắc-xin Covid-19 tê liệt mặt

Ấn Độ gặp sự cố tiêm chủng, Israel náo loạn vụ tiêm vắc-xin Covid-19 tê liệt mặt

Nhà chức trách Ấn Độ cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà của nước này đã gặp trục trặc ngay ngày đầu tiên triển khai vì sự cố kỹ thuật.

Covid-19 làm nhiều người Mỹ chọn chết tại nhà

Covid-19 làm nhiều người Mỹ chọn chết tại nhà

Trên khắp nước Mỹ, ngày càng có nhiều người mắc bệnh nan y, kể cả Covid-19 và những bệnh khác, chọn chết tại nhà thay vì tại bệnh viện hay viện dưỡng lão, nơi cấm gia đình đến thăm trong thời gian đại dịch.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.