Theo phán quyết của toà, thủy thủ Marcus Gill (22 tuổi) và binh nhì Rodrico Harp (21 tuổi) chịu mức án 7 năm tù trong khi binh nhì Kendrick Ledet (20 tuổi) lãnh án 6,5 năm tù, nhẹ hơn mức án mà các công tố viên đề nghị (10 năm tù). Các phạm nhân được đưa tới nhà tù Yokosuka, phía nam Tokyo để thụ án.
Từ trái qua phải: Kendrick Ledet, Rodrico Harp, Marcus Gill. |
"Đây là một tội ác cực kỳ tàn nhẫn và trơ trẽn. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi nó đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng", Thẩm phán Shinei Nagamine nói trước tòa.
Gia đình của các bị cáo đã phải "bồi thường thiệt hại" cho nạn nhân theo một thông lệ phổ biến tại Nhật Bản.
Trước đó, vào ngày 4/9/1995, ba quân nhân đang đóng quân tại doanh trại Hansen ở Okinawa đã bàn bạc về việc tìm gái mại dâm để mua vui, nhưng khi đó Gill nói rằng anh ta không có đủ tiền nên đã đề nghị tổ chức một vụ cưỡng hiếp. Ban đầu, những người còn lại đều nghĩ rằng Gill chỉ nói đùa nhưng sau đó họ đã bị kế hoạch của Gill thuyết phục, New York Times dẫn lời luật sư bào chữa của Harp.
Bàn bạc xong, cả ba đã thuê một chiếc xe rồi đi lòng vòng để tìm con mồi, Gill khai nhận. Vào khoảng 8 giờ tối, bọn họ nhìn thấy một bé gái và lập tức dừng xe lại.
Các nghi phạm được áp tải đến tòa. (Ảnh: AP) |
Harp nhảy ra khỏi xe, giả vờ hỏi đường trong khi đó, Ledet đã vòng tay siết cổ bé gái từ phía sau. Harp tiếp tục đánh vào mặt cô bé. Ledet đẩy nạn nhân vào xe rồi bịt mắt, miệng và trói chân tay cô bé lại. Gill lái chiếc xe tới một con đường vắng, bao quanh là những cánh đồng mía.
Sau đó, Gill, Ledet và Harp lần lượt ra ghế sau, đánh đập và cưỡng hiếp cô bé. Vụ việc xảy ra vào khoảng 8h20 phút ngày 4/9/1995. Sau khi giở trò đồi bại, ba gã đàn ông lái xe đi, bỏ mặc nạn nhân. Cô bé đã tìm tới một nhà dân gần đó để tìm sự giúp đỡ. Gill, Ledet và Harp bị cảnh sát quân sự bắt 2 ngày sau đó.
Căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. (Ảnh: USA Today) |
Vụ việc khiến người dân Okinawa giận dữ và gây ra các cuộc tranh luận về sự hiện diện của lính Mỹ tại Nhật Bản. Hàng chục ngàn người do Thống đốc Okinawa dẫn đầu đã đề nghị chuyển các căn cứ của Mỹ ra khỏi khu vực.
Chính quyền Nhật Bản và Mỹ đều loại trừ khả năng này nhưng họ đã nhận thức về sự cần thiết của việc giảm sự hiện diện quân sự trên hòn đảo.
Người dân Nhật Bản phản đối căn cứ Mỹ tại Okinawa. |
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản khi đó, ông Walter Mondale đã gửi lời xin lỗi tới người dân Okinawa. Đại sứ quán Mỹ cũng đưa ra thông báo thể hiện sự ủng hộ với hệ thống tư pháp Nhật Bản, đồng thời cho rằng đó là một tội ác đáng bị chỉ trích.
Sầm Hoa