Reuters, ngày 8/6, dẫn các nguồn tin cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden mô tả đây là "lực lượng tác chiến thương mại chuỗi cung ứng", do Đại diện Thương mại Katherine Tai dẫn đầu và sẽ kiểm tra những vi phạm cụ thể đã góp phần khiến các chuỗi cung ứng của Mỹ cạn kiệt thời gian qua. 

Quyết định trên được đưa ra khi Mỹ công bố các phát hiện trong một đánh giá về sự tiếp cận của nước này đối với các mặt hàng quan trọng, từ chất bán dẫn đến pin xe điện. 

{keywords}
Ảnh: Reuters

Hồi tháng 2 vừa qua, ông Biden đã ra lệnh rà soát các chuỗi cung ứng then chốt, yêu cầu các cơ quan điều hành phải báo cáo lại trong vòng 100 ngày về các nguy cơ đối với khả năng tiếp cận của Mỹ với các hàng hóa thiết yếu. 

Mặc dù không trực tiếp nhắm đến Trung Quốc, cuộc rà soát này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn mà chính quyền ông Biden thực hiện để củng cố sức cạnh tranh của Mỹ trước những thách thức kinh tế từ quốc gia tỷ dân.   

Mỹ đã đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc thu mua trang thiết bị y tế thời kỳ đại dịch Covid-19, và đang phải đương đầu với tình thế khó khăn ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chip máy tính.

Các cơ quan của Mỹ được yêu cầu phải cung cấp thêm các báo cáo hoàn chỉnh trong 1 năm kể từ sau lệnh của Tổng thống, xác định các khoảng cách trong năng lực sản xuất nội địa và các chính sách giải quyết chúng.

Một quan chức cấp cao cho rằng Mỹ đã chịu nhiều hành động thương mại không công bằng "từ một số chính phủ nước ngoài" và chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã góp phần làm cho chuỗi cung ứng của Mỹ suy yếu.   

Thanh Hảo

Ông Biden muốn gạt Trung Quốc khỏi các quyết sách công nghệ, thương mại lớn

Ông Biden muốn gạt Trung Quốc khỏi các quyết sách công nghệ, thương mại lớn

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, châu Âu và Mỹ nên thiết lập các quy tắc toàn cầu cho quan hệ thương mại và công nghệ, loại Bắc Kinh khỏi can dự vào quá trình như vậy.