"Chúng tôi sẵn sàng trao cho ngoại giao một cơ hội. Đó là lí do tại sao chúng tôi nhất trí tham gia các cuộc đàm phán đang được khôi phục ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn từ xa với truyền thông Serbia hôm 28/3.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đối thoại ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik |
Các cuộc thương lượng Nga - Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 29/3. Theo ông Lavrov, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quan hệ tốt với cả Moscow và Kiev, đã nỗ lực rất nhiều để đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, không cần thiết phải đưa Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ, những bên ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột, vào tiến trình hòa đàm.
"Có rất nhiều ví dụ về những lần thành tựu ngoại giao đã bị các đồng nghiệp phương Tây làm tan vỡ. Họ không thể tin tưởng được nữa. Tôi không muốn thấy bất kỳ hoạt động ngoại giao con thoi nào từ các đối tác phương Tây, vì họ đã thực hiện xong phần "con thoi" vào tháng 2/2014 ở Ukraine và vào tháng 2/2015 ở Minsk", nhà ngoại giao hàng đầu Nga giải thích.
Đài RT dẫn lời ông Lavrov lưu ý, tháng 2/2014, EU đã trở thành người bảo đảm cho các thỏa thuận giữa Tổng thống Ukraine khi đó Viktor Yanukovych và những người biểu tình Maidan ở Kiev. “Đó là một đỉnh cao của ngoại giao. Tuy nhiên, vào sáng hôm sau, phe đối lập đã chỉ trích hoạt động ngoại giao đó và EU đã nuốt lời”.
Tháng 9 cùng năm, thỏa thuận Minsk I giữa các vùng ly khai và Kiev được ký kết ở thủ đô Belarus, sau quá trình đàm phán giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp. Thỏa thuận kêu gọi hai bên chấm dứt giao tranh, tổ chức trao đổi tù nhân, cho phép vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng.
Thỏa thuận tiếp theo, Minsk II được ký kết tháng 2/2015 sau một lệnh ngưng bắn khác, mở đường cho cải cách hành chính và chính trị ở Ukraine cũng như "cách thức khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này thông qua cấp địa vị đặc biệt cho vùng ly khai miền đông Donbass". Song, Nga cáo buộc những người ủng hộ phương Tây ở Kiev sau đó đã không thể thuyết phục Chính phủ Ukraine thực hiện các cam kết của họ.
Nga đã mở chiến dịch tấn công quân sự sang nước láng giềng ngày 24/2, sau 7 năm xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và các lực lượng ly khai ở miền đông vì thất bại trong việc triển khai thỏa thuận Minsk II. Moscow đổ lỗi cho Kiev về khủng hoảng, đồng thời công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbass.
Moscow hiện yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Ngược lại, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ, đồng thời bác bỏ cáo buộc rằng họ đã lên kế hoạch chiếm lại Donetsk và Lugansk bằng vũ lực.
Tuấn Anh
Nga có còn ưu thế quân sự sau một tháng tấn công Ukraine?
Nhiều người đặt câu hỏi liệu Nga còn giữ ưu thế quân sự hay không, khi Ukraine đã chuyển từ chỉ phòng thủ sang "đôi khi phản kích" và giành lại kiểm soát một số khu vực.