Một sinh viên Australia, từng sống và làm việc tại Triều Tiên hơn một năm mới được trả tự do và rời nước này. Hiện chưa rõ tại sao Alek Sigley bị bắt giam.

Trong nhiều bài viết công khai của mình, nam sinh viên 29 tuổi này luôn tránh chỉ trích chính quyền Bình Nhưỡng mà chỉ mô tả những điều kỳ quặc, các chi tiết vụn vặt của xã hội Triều Tiên.

{keywords}
Alek Sigley

Tuy nhiên, làm thế nào Alek tới được Triều Tiên? Và có bao nhiêu người ngoại quốc đang sinh sống tại quốc gia thu mình với thế giới này.

Người nước ngoài sống ở Triều Tiên là ai?

Cơ bản có hai nhóm người ngoại quốc sống ở Triều Tiên. Đó là người phương Tây và người Trung Quốc, theo BBC.

Trung Quốc là đồng minh thân thiết và mạnh nhất của Triều Tiên. Kể từ khi quan hệ hai nước cải thiện vào năm ngoái, số lượng du khách Trung Quốc tới Triều Tiên đã tăng mạnh, giáo sư Dean Ouellette thuộc trường đại học Kyungnam ở Hàn Quốc nói.

Ông Ouellette ước tính, có tới 120.000 du khách Trung Quốc tới Triều Tiên trong năm 2018. Trong khi đó, chỉ có chưa đầy 5.000 du khách phương Tây tới Triều Tiên mỗi năm, và số lượng người phương Tây sinh sống tại quốc gia này cũng giảm đi.

Nhà nghiên cứu về Triều Tiên Andray Abrahamian - người thường xuyên tới Triều Tiên ước tính, hiện chỉ có khoảng 200 người phương Tây sống tại quốc gia ở phía bắc Bán đảo Triều Tiên.

Người phương tây hầu hết sống ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên và thường gắn với các sứ mệnh ngoại giao, viện trợ nhân đạo hoặc các trường đại học, gồm cả Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng có các chương trình trao đổi giáo viên.

Vào Triều Tiên có khó không?

Hầu hết những người ngoại quốc sống ở Triều Tiên đều thuộc trường hợp có mục đích, tiến sĩ John Nilsson-Wright, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Cambridge nói.

"Việc một ai đó sống trong một thời gian dài ở Triều Tiên là khá bất thường. Người nước ngoài ở Triều Tiên thường đi theo một dạng chương trình của chính phủ, có ấn định thời gian và số lượng người như thế này là khá nhỏ", ông John nói với BBC.

Ngoài nhóm trên, việc xin visa Triều Tiên cho một nhân viên của tổ chức phi chính phủ là rất khó. Các tổ chức cần phải có đối tác hoặc người bảo trợ ở Triều Tiên bảo chứng cho họ.

"Quá trình kiểm tra phải được tiến hành kỹ càng và đôi khi Bộ Công an Triều Tiên sẽ xem xét thông tin về những người muốn lưu trú lâu dài", giáo sư John nói.

Cách tiếp cận Triều Tiên của Alek Sigley

Alek tới Triều Tiên lần đầu tiên năm 2012 bằng visa du lịch, sau đó, người này đã lập công ty du lịch riêng. Alek đã tới Triều Tiên hơn chục lần, xây dựng mạng lưới cần thiết để có thể xin học ở Đại học Kim Nhật Thành.

"Không hề có quá trình nộp đơn mở. Đơn thường được chấp nhận dựa trên các mối quan hệ ở trong nước này", Alek viết trên blog. "Tôi kết bạn với một số người Triều Tiên và họ sẵn sàng bảo trợ cho tôi, giúp tôi nộp đơn. Dù vậy, quá trình đi tới điểm cuối vẫn mất 2 năm viết thư qua lại, cùng một loạt giấy tờ khác như giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận của cảnh sát là tôi không có tiền sử phạm tội".

Tháng 4/2018, Alek bắt đầu khóa học thạc sĩ hai năm về văn hóa Triều Tiên. Công dân Australia này cho hay, anh ta là một trong ba sinh viên phương Tây tại trường, hai người còn lại là người Trung Quốc và Thụy Điển.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, chính phủ nước này cấp học bổng toàn phần cho 60 sinh viên theo học tại các đại học của Triều Tiên mỗi năm. Ngoài ra, có khoảng 70 sinh viên Trung Quốc tự bỏ tiền để học ở Triều Tiên.

Cuộc sống ở Triều Tiên

Trên trang blog của mình, Alek viết về sự tự do mà anh ta có so với những du khách luôn bị hướng dẫn viên đi theo kè kè và chỉ được tới một số khu vực được định sẵn.

"Là cư dân ngoại quốc lưu trú trong thời gian dài bằng visa sinh viên, tôi có thể đi lại khá thoải mái - chưa từng có ở Bình Nhưỡng. Tôi có thể lang thang khắp thành phố mà không có ai đi kèm".

Hoài Linh