Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 4/2, đại dịch đã lây truyền mầm bệnh cho hơn 388,1 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 5,7 triệu nạn nhân ở 223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số hồi phục đạt 307,5 triệu trường hợp.
Brazil đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới trong ngày qua với trên 286.000 ca mới, tiếp đến là Pháp (274.300) và Đức (240.200).
Về số ca tử vong mới, Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 với trên 1.700 nạn nhân Covid-19 xấu số. Đứng số 2 là Ấn Độ (1.100) và kế tiếp là Brazil (923).
Học sinh xếp hàng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở tỉnh Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh: Reuters |
Tokyo nâng cảnh báo y tế lên mức cao nhất
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ngày 3/2, quyết định nâng cảnh báo về cấp độ sẵn sàng của hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp. Chính quyền thành phố cũng giữ nguyên cảnh báo về đại dịch Covid-19 ở cấp độ 4.
Theo báo Mainichi, quyết định trên của chính quyền Tokyo cho thấy hệ thống chăm sóc y tế ở thành phố "đang trong tình trạng căng thẳng" và nguyên nhân chính là do số ca nhiễm mới liên tục tăng.
Trước đó, ngày 2/2, Tokyo ghi nhận thêm 21.576 ca nhiễm mới - cao nhất từ trước tới nay. Điều đáng lo ngại là trong số đó có tới 3.300 ca là trẻ dưới 10 tuổi và 2.458 ca trong độ tuổi từ 10 đến 19, cao hơn so với 5 đợt lây nhiễm trước đó.
Đối với hệ thống y tế, tỷ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho người nhiễm Covid-19 trong các bệnh viện tiếp tục tăng và lên mức 51,4%.
Omicron 'tàng hình' ở châu Phi
Tiến sĩ Nicksy Gumede-Moainsti thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 3/2, cho biết phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) - được gọi là "Omicron tàng hình" - đã xuất hiện tại 5 quốc gia châu Phi.
Bà Nicksy bày tỏ lo ngại rằng các phương pháp xét nghiệm hiện nay có thể sẽ không phát hiện được BA.2.
Theo nữ tiến sĩ, BA.2 đã được báo cáo ở 5 nước châu Phi gồm Botswana, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi, và biến thể "tàng hình" này của Omicron rất khó phát hiện vì không phải lúc nào cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm gene mục tiêu, vốn được phát triển để nhận diện biến thể Omicron và các biến thể khác trước đó.
Hiện WHO đang nỗ lực phối hợp với một số phòng thí nghiệm để phân tích thêm các mẫu được xác định không phải là biến thể Omicron nhằm hiểu sâu hơn về khả năng lây truyền của BA.2.
Indonesia rút ngắn thời gian cách ly nhập cảnh
Từ ngày 4/2, Indonesia sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh, từ 7 ngày xuống còn 5 ngày nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế, đặc biệt là tại Bali. Tuy nhiên, thời gian cách ly 5 ngày chỉ được áp dụng đối với những du khách đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, còn những mới tiêm một mũi vẫn phải cách ly 7 ngày.
Theo Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan, quyết định trên được đưa ra dựa vào thời gian ủ bệnh trung bình của biến thể Omicron là 3 ngày.
Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno thông báo, chỉ những du khách nhập cảnh vào Indonesia bằng thị thực điện tử mới đủ điều kiện hưởng thời gian cách ly ngắn hơn. Ông cho biết thêm, từ 4/2, Bali sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
Ngày 3/2, Indonesia ghi nhận 27.197 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca Covid-19 ở nước này lên hơn 4,4 triệu ca.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Thanh Hảo
Nhật và Nga lún sâu vào Covid-19, Mỹ sẵn sàng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi
Nhật Bản, Nga và Đức vẫn lún sâu trong hố đen đại dịch. Trong khi đó, Nhà Trắng đã đưa ra thông báo về việc tiêm chủng cho trẻ em dưới 5 tuổi tại Mỹ.