Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland ngày 26/3 tuyên bố, Ottawa cực lực phản đối đề xuất của Washington và coi đây là bước "không cần thiết", có thể làm tổn hại quan hệ song phương khi tình hình sức khỏe cộng đồng chưa nghiêm trọng đến mức đòi hỏi hành động đó. Quan chức này cũng lưu ý, Washington vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề.

{keywords}
Tổng thống Trump muốn điều quân tới biên giới với Canada giúp phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: ABC

Theo Reuters, tuyên bố của đại diện chính phủ Canada gây bất ngờ vì Ottawa có quan hệ tốt đẹp với chính quyền Tổng thống Mỹ Trump suốt 18 tháng qua. Tuần trước, hai bên đã nhất trí đóng cửa biên giới để tạm ngưng các hoạt động đi lại không cần thiết nhằm giải tỏa gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia trước sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 26/3, ông Trump nói sẽ xem xét vấn đề. Tối cùng ngày, tờ Wall Street Journal trích dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, Washington đã từ bỏ kế hoạch.

Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, Ottawa đang giữ liên lạc với nhà chức trách Mỹ và sẽ điều chỉnh các biện pháp an ninh biên giới nếu cần.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ ghi nhận hơn 85.000 ca dương tính với virus corona chủng mới, cao nhất thế giới với ít nhất 1.300 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, Canada, với dân số chỉ bằng 1/9 dân số nước láng giềng phía nam, thông báo có 4.043 người đã nhiễm Covid-19 và 39 ca tử vong.

Bang New York, Mỹ vốn cũng có chung đường biên giới với Canada đang là tâm chấn của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại xứ cờ hoa. Tim Currier, thị trưởng Massena, một thị trấn thuộc bang New York chỉ cách lãnh thổ Canada 15km cũng cho rằng, việc triển khai quân tới biên giới để hỗ trợ chống dịch có thể gây hoảng sợ nếu kế hoạch không được truyền thông đúng cách.

Tuấn Anh