Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh bắt đầu leo thang sau khi nhà chức trách Philippines tố hơn 200 tàu Trung Quốc tình nghi thuộc lực lượng dân quân biển xuất hiện trái phép ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu tháng trước.

{keywords}
Các tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27/3. Ảnh: AP

Chính phủ Philippines yêu cầu toàn bộ đội tàu Trung Quốc phải rời đi, đồng thời điều các tàu hải cảnh và tàu tuần tra tới khu vực. Song, Bắc Kinh quả quyết các tàu nói trên chỉ là tàu cá đang tụ lại một chỗ tránh biển động.

AP trích dẫn một thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, sau khi triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Manila Huang Xilian tới hôm 12/4, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Elizabeth Buensuceso đã bày tỏ việc Manila “không hài lòng về sự hiện diện bất hợp pháp kéo dài của các tàu Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu”. Bà Buensuceso nhấn mạnh, việc các tàu Trung Quốc tiếp tục hiện diện quanh bãi đá ngầm này là "nguồn cơn gây căng thẳng trong khu vực".

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines cũng tái nhắc một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 trong vụ kiện của Philippines, với nội dung khẳng định các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với hầu khắp Biển Đông là không có căn cứ lịch sử theo công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Theo quân đội Philippines, các hoạt động giám sát trên không cho thấy, một số tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi đá ngầm nhưng hơn 40 tàu vẫn neo đậu lại khu vực này vào cuối tháng 3. Nhà chức trách Philippines cũng bác bỏ lời giải thích Bắc Kinh về việc các tàu này đang tránh biển động vì thời tiết ở đó rất đẹp.

Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Philippines trong vụ tranh cãi này. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố có thể tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ nhằm bảo vệ các lợi ích của họ tại Biển Đông. Hai nước hiện có một thỏa thuận quốc phòng chung.

Hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển.

Điều này cũng đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình và gây bất lợi cho quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên vùng biển khu vực.

Tuấn Anh

Philippines tố Trung Quốc âm mưu chiếm thêm thực thể ở Biển Đông

Philippines tố Trung Quốc âm mưu chiếm thêm thực thể ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc đang âm mưu chiếm thêm "các thực thể" ở Biển Đông như những gì họ từng thực hiện ở Đá Vành Khăn và bãi cạn Scarborough.

Mỹ và Philippines lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ và Philippines lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin về các hoạt động của tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông.