Tờ Asia Times đưa tin, tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc tiêu thụ gần 1.100 tấn nhiên liệu mỗi ngày khi di chuyển với vận tốc 37 km/h và sử dụng tới 1.500 tấn nhiên liệu trong các sứ mệnh chiến đấu.

{keywords}
Tàu sân bay Type 001A hiện đang tiếp tục thực hiện các chuyến đi thử nghiệm trên biển. Ảnh: BI

Ngoài ra, tàu sân bay tự chế đầu tiên nhưng là chiếc thứ hai trong nhóm hàng không mẫu hạm của Bắc Kinh cũng cần dự trữ đủ nhiên liệu phục vụ nhu cầu của hàng chục tiêm kích Thẩm Dương J-15 cắm chốt trên boong tàu.

Đáng nói, tàu Type 001A đòi hỏi phải được tiếp nhiên liệu bất kỳ khi nào tiêu thụ hết 1/3 bể chứa. Điều này đồng nghĩa, hàng không mẫu hạm này sẽ chỉ có 6 ngày hoạt động trên biển trước khi cần phải được tiếp nhiên liệu lần nữa.

Tàu Type 001A đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên biển và dự kiến sẽ trải qua các cuộc kiểm tra nữa dọc khu vực phía bắc biển Hoàng Hải. Do đã kiểm tra các hệ thống điện tử, radar và thông tin liên lạc của Type 001A, nên các chuyên gia Trung Quốc được tin sẽ tập trung đánh giá nhiều hơn về hoạt động cất - hạ cánh của các chiến đấu cơ trên tàu sân bay này.

Hồi đầu năm nay, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đã cho phát sóng những hình ảnh hé lộ hoạt động bên trong của tàu sân bay tự chế đầu tiên của nước này. Trong video, tàu Type 001A đang di chuyển tốc độ cao với một nhóm kỹ thuật viên đang vận hành các bảng điều khiển trong những chuyến đi thử nghiệm trên biển. Sau đó là những hình ảnh về boong tàu, sàn bay cho các chiến đấu cơ cùng hệ thống vũ khí tối tân nhằm tiêu diệt các mục tiêu kẻ thù.

Theo Asia Times, tàu Type 001A sẽ được điều động tuần tra ở Biển Đông. Các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này từ lâu đã là cái gai trong quan hệ Mỹ - Trung.

Washington nhiều lần lên án Bắc Kinh đã đưa vũ khí đến các đảo nhân đạo ở Biển Đông. Hai bên cũng leo thang căng thẳng do quân đội Mỹ tiếp tục các chiến dịch thúc đẩy tự do hàng hải trong khu vực.

Tàu sân bay duy nhất đang hoạt động chính thức của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo và Trung Quốc đã cho nâng cấp sau khi mua lại từ Ukraina năm 1998.

Tuấn Anh