Trang tin quân sự Drive, dẫn một số nguồn tin, cho biết 3 tàu đổ bộ thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã tiến vào eo biển Manche nằm giữa Anh và Pháp, trong khi 3 tàu đổ bộ khác thuộc Hạm đội Phương Bắc cũng di chuyển theo cùng tuyến đường sau đó không lâu.

Hai đội tàu đổ bộ của Nga lần lượt rời biển Baltic vào các ngày 17 và 19/1. Nhóm đầu tiên gồm các tàu chiến đổ bộ lớp Ropucha là Korolev, Minsk và Kaliningrad từ Hạm đội Baltic. Nhóm còn lại gồm các tàu chiến đổ bộ lớp Ropucha là Olenegorskiy Gornyak và Georgiy Pobedonosets, cùng một tàu đổ bộ lớp Ivan Gren là Pyotr Morgunov thuộc Hạm đội Phương Bắc.

{keywords}
Tàu đổ bộ Minsk của Hải quân Nga được phát hiện ngoài khơi vùng biển Đan Mạch trước khi tiến qua eo biển Manche. Ảnh: Kurt Pedersen

Trang web theo dõi hàng hải Marineschepen có trụ sở ở Hà Lan hôm nay (20/1) cho biết, hải quân nước này đã triển khai tàu khảo sát đại dương HNLMS Luymes cùng trực thăng NH90 để giám sát 3 tàu đổ bộ Nga ở vùng biển quốc tế trên Biển Bắc, trước khi chúng tiến đến eo biển Manche nằm giữa Anh và Pháp.

{keywords}
Tàu đổ bộ Georgiy Pobedonosets của Hải quân Nga được phát hiện ngoài khơi vùng biển Đan Mạch trước khi tiến qua eo biển Manche. Ảnh: Kurt Pedersen

"Hoạt động theo dõi sau đó được chuyển giao cho tàu hải quân Anh và Bỉ", trang web này cho hay. Hải quân Anh được cho là đã triển khai tàu khu trục HMS Dragon thuộc lớp Type 45, trong khi ít nhất một tàu chiến Pháp cũng được điều động để bám đuôi đội tàu chiến đổ bộ của Nga.

Bộ Quốc phòng các nước trên chưa đưa ra bình luận về thông tin này, và điểm đến của 6 tàu chiến Nga cũng chưa được công bố. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định chúng có thể đang hướng tới Biển Đen để làm nhiệm vụ gần Ukraina.

{keywords}
Hướng di chuyển được dự đoán của các tàu đổ bộ Nga. Đồ họa: Daily Mail

Tàu đổ bộ lớp Ropucha của Nga có lượng giãn nước tối đa 4.100 tấn, được phát triển từ thời Liên Xô. Mỗi tàu có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực và 340 binh sĩ, hoặc một tiểu đoàn cơ giới hỗn hợp gồm xe tăng, pháo binh, xe tải và hơn 300 lính, hoặc 550 tấn hàng hóa.

Thiết kế cửa dạng vỏ sò ở phần mũi cho phép các tàu chiến lớp Ropucha triển khai lực lượng từ ngoài khơi hoặc sát bờ biển. Chúng cũng có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền và yểm trợ các đơn vị đổ bộ nhờ dàn vũ khí uy lực với pháo hạm nòng đôi cỡ 57mm hoặc nòng đơn 76,2mm, bệ phóng pháo phản lực cỡ nòng 122mm. Bên cạnh đó, tàu chiến lớp Ropucha còn được trang bị tên lửa phòng không tầm ngắn và hệ thống phòng thủ cực gần AK-630 để tự vệ.

{keywords}
Tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak của Hải quân Nga được phát hiện đi qua một cây cầu vượt biển của Đan Mạch trước khi tiến qua eo biển Manche. Ảnh: Kurt Pedersen

Trong khi đó, Ivan Gren là lớp tàu đổ bộ mới nhất do Nga phát triển, với 2 chiếc đã được đưa vào biên chế hải quân của nước này. Mỗi tàu lớp Ivan Gren có lượng giãn nước khoảng 6.600 tấn, chở được tối đa 13 xe tăng chủ lực hoặc xe thiết giáp hạng nặng, cùng 300 binh sĩ.

Vũ khí của tàu lớp Ivan Gren thua kém Ropucha, khi chỉ có các hệ thống phòng thủ cực gần AK-630M1-2 và AK-630M, cùng súng máy cỡ 14,5mm. Bù lại, năng lực tác chiến của chúng được cải thiện đáng kể, với sàn đáp và nhà chứa cho phép chở cùng lúc tới hai trực thăng vũ trang.

{keywords}
Tàu đổ bộ Korolev của Hải quân Nga được phát hiện ngoài khơi vùng biển Đan Mạch trước khi tiến qua eo biển Manche. Ảnh: Kurt Pedersen

Hoạt động của các tàu chiến Nga gây chú ý bởi căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang leo thang trong thời gian gần đây. Mỹ và các đồng minh cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraina, với lo ngại nước này có thể tấn công quốc gia láng giềng. Phía Nga đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên, và khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây nước này hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Video một cuộc diễn tập đổ bộ của đội tàu lớp Ropucha thuộc Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ 810 của Nga

>>> Đọc tin quân sự thế giới trên VietNamNet

Việt Anh

Ông Biden thừa nhận NATO bất đồng về cách ứng phó Nga

Ông Biden thừa nhận NATO bất đồng về cách ứng phó Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận có sự bất đồng giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cách ứng phó với Nga trong vấn đề Ukraina.

Nga giải thích kế hoạch triển khai tên lửa gần Ba Lan

Nga giải thích kế hoạch triển khai tên lửa gần Ba Lan

Nga tuyên bố nước này có thể làm gì tùy ý trên lãnh thổ của mình.