Giới phân tích cho rằng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un dường như đang thực hiện các bước thể chế hóa lực lượng tên lửa, báo hiệu ý định biến những vũ khí này thành một phần hoạt động lâu dài trong các chiến lược quân sự quốc gia.

{keywords}
Tên lửa dẫn đường chiến thuật được Triều Tiên phóng đi từ một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh được KCNA đăng tải ngày 17/1.

Các nhà khoa học 

Người ngoài biết rất ít về tên tuổi và địa vị của những nhà khoa học cũng như chuyên gia kỹ thuật tầm trung tham gia nghiên cứu và phát triển tên lửa của Triều Tiên. Theo giới phân tích, những người này dường như được đảm bảo việc làm, vì chính quyền dành riêng các nguồn lực đào tạo cũng như phân nhà cho họ ở các quận riêng biệt.   

"Không giống các quan chức kinh tế hay các chỉ huy quân sự, đây là nhóm không dễ thay thế", tờ Channel News Asia dẫn đánh giá của Michael Madden, chuyên gia phân tích về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington.

Nhiều người trong số họ theo học Đại học Quốc phòng Kim Jong Un chuyên đào tạo các chuyên gia khoa học và công nghệ phục vụ ngành quốc phòng của Triều Tiên. Có tin nói rằng nơi đây vừa có thêm một trường cao đẳng tập trung vào "công nghệ tên lửa siêu thanh". 

Ken Gause, Giám đốc Nhóm các vấn đề quốc tế thuộc CNA – một tổ chức phân tích và nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở ở Arlington, Virginia, cho rằng các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên dường như chia thành nhiều nhóm cạnh tranh thiết kế cùng loại vũ khí, cho phép họ xác định công nghệ nào hứa hẹn nhất.

Một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm James Martin về Các nghiên cứu Không phổ biến Hạt nhân (CNS) kết luận, các nhà khoa học Triều Tiên hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu ở nhiều nước để cùng viết ít nhất 100 bài báo đã được xuất bản có tầm quan trọng rõ ràng về công nghệ tiêu chuẩn kép. 

Các quan chức

Chủ tịch Kim Jong Un dựa vào 3 nhân vật cấp cao để dẫn dắt chương trình tên lửa bí mật của Triều Tiên. Đó là Ri Pyong Chol, một cựu tướng không quân cấp cao; Kim Jong Sik, một nhà khoa học tên lửa kỳ cựu; và Jang Chang Ha, người đứng đầu một trung tâm mua sắm và phát triển vũ khí.

Nhân vật thứ 4 là Pak Jong Chon, Tổng tham mưu trưởng và đảm nhận một vai trò cao hơn trong Cục Công nghiệp Quân sự (MID) chuyên trách sản xuất vũ khí chiến lược, theo ông Ken Gause.

"Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp quân sự trong vài năm qua", ông Gause bình luận. 

Pak Jong Chon là người giám sát nhiều vụ thử tên lửa gần đây khi không có sự hiện diện của Chủ tịch Kim Jong Un.

Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên (NADS) có nhiệm vụ chuyên giám sát sự phát triển tên lửa của Triều Tiên. Chuyên gia Michael Madden nhận định, tình hình phát triển vũ khí của nước này có thể được phân biệt nhờ vào ai là người giám sát một cuộc thử nghiệm.   

Một sự kiện mà chỉ có mặt các nhân sự từ NADS có nghĩa là hệ thống vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Nếu một sự kiện có sự kết hợp của NADS và Ủy ban Kinh tế thứ 2, thì thường có nghĩa hệ thống đang chuyển từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn sản xuất và chế tạo. 

Cuối cùng, nếu nhân viên của Bộ Tổng tham mưu quân đội (GSD) tham dự một cuộc thử nghiệm, chẳng hạn như vụ phóng tên lửa di động trên tàu hỏa gần đây, thường là hệ thống đã hoàn thành và sẽ được triển khai. 

Thanh Hảo

Triều Tiên sắp nối lại thử nghiệm hạt nhân?

Triều Tiên sắp nối lại thử nghiệm hạt nhân?

Triều Tiên, hôm nay (20/1), tuyên bố sẽ cân nhắc nối lại "tất cả các hoạt động tạm ngừng" mà nước này thực hiện trong thời gian ngoại giao với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.