Video sức mạnh khủng của B-52:

Theo hãng tin CNN, động thái này của Mỹ được xem là gửi tới Nga một thông điệp mạnh mẽ đúng dịp Moscow kỷ niệm 5 năm ngày sáp nhập bán đảo Crưm.

Một lực lượng tác chiến gồm các máy bay B-52 Stratofortress, phi công và thiết bị hỗ trợ từ đơn vị Cánh Bom số 2 (2nd Bomb Wing) đóng tại Căn cứ Không quân Barksdale, bang Louisiana, đã tới căn cứ không quân Hoàng gia Anh Fairford từ tuần trước. Lực lượng này sẽ tham gia vào nhiều sứ mệnh huấn luyện khác nhau trên toàn châu Âu.

Hôm 18/3, các máy bay B-52 "đã thực hiện những chuyến bay tới một số nơi ở châu Âu, trong đó có Biển Na Uy, Biển Baltic/Estonia và Địa Trung Hải/Hy Lạp", CNN dẫn thông tin từ Không lực Mỹ.

Các "pháo đài bay" từ Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam và Fairford còn tiến hành huấn luyện làm quen môi trường đồng thời ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu" khi chúng "bay về hướng bắc tới khu vực phía đông Bán đảo Kamchatka" gần Nga.

Thông cáo báo chí của Không lực Mỹ khẳng định "các chuyến bay từ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, châu Âu thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác thông qua triển khai các lực lượng quân sự trên toàn cầu.

{keywords}
Một máy bay B-52 Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, ngày 18/3/2019. (Ảnh: Không lực Mỹ)

B-52 bắt đầu được đưa vào phục vụ từ những năm 1950, giữa cao trào Chiến tranh Lạnh. Ban đầu nó được thiết kế để hoạt động như máy bay ném bom hạt nhân liên lục địa cao độ tầm xa, có thể tấn công sâu vào Liên Xô. Từ đó đến nay, chiến cơ này đã được nâng cấp và bổ sung nhiều vũ khí mới gồm bom, mìn và tên lửa.

Căng thẳng giữa Mỹ và Nga tăng cao trong những tháng gân đây, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014 và bắt giữ tàu hải quân cùng các thủy thủ Ukraina ở Eo biển Kerch hồi tháng 11 năm ngoái. Hai bên đã thi nhau tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Tuần này, hai tướng Nga nói Moscow có kế hoạch điều các máy bay ném bom có khả năng mang hạt nhân và tên lửa tầm trung tới Crưm. Tuy nhiên, sau đó họ rút ngay lại tuyên bố. Phía NATO chỉ trích Nga "tăng cường quân sự rộng khắp" ở bán đảo này, trong khi Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho rằng việc Nga sáp nhập Crưm "tiếp tục tạo ra một mối đe dọa" cho các đồng minh của Washington trong khu vực.

Thanh Hảo