Hãng thông tấn Reuters, dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, cho biết dù nguy cơ hình thành máu đông từ vắc-xin của AstraZeneca là rất thấp, nhưng không vì thế mà điều này có thể bị loại trừ.
“Đây là một quyết định chuyên nghiệp và không mang tính chính trị”, Bộ trưởng Jens Spahn cho biết về việc hoãn dùng vắc-xin AstraZeneca của nước này, và nói thêm rằng ông đang làm theo khuyến nghị của Viện Paul Ehrlich, cơ quan quản lý vắc-xin của Đức.
Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thông báo nước này sẽ ngưng sử dụng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca để chờ đánh giá từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), dự kiến được công bố trong ngày 16/3. "Quyết định này chỉ mang tính đề phòng, với hy vọng chúng tôi có thể nhanh chóng nối lại việc tiêm chủng nếu được EMA bật đèn xanh", ông Macron nói.
Cơ quan quản lý dược phẩm Italia (AIFA) cũng ra lệnh ngưng tiêm vắc-xin AstraZeneca trên cả nước. Cơ quan này cho biết đây chỉ là biện pháp "tạm thời và mang tính đề phòng", trong lúc chờ báo cáo của EMA.
Trước đó, 15 quốc gia châu Âu đã đỉnh chỉ toàn bộ hoặc một phần việc tiêm chủng vắc-xin của AstraZeneca, do lo ngại về tình trạng máu đông từng được ghi nhận tại Đan Mạch và Na Uy. Ở Đông Nam Á, Indonesia cũng ngưng kế hoạch triển khai loại vắc-xin này. Trong khi đó, Thái Lan dù đã đình chỉ tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca từ tuần trước, song dự kiến sẽ nối lại từ 16/3.
Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi xem xét các báo cáo của AstraZeneca, cho biết họ không thấy có bằng chứng nào thể hiện các liều tiêm vắc-xin của hãng này có thể gây ra những vấn đề sức khỏe.
“Ngay khi có được sự hiểu biết đầy đủ, những phát hiện và bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra đối với các khuyến nghị hiện tại, WHO sẽ thông báo tới công chúng”, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, cho biết với Reuters.
“Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy các sự cố là do vắc-xin gây ra. Điều quan trọng là các chiến dịch tiêm chủng vẫn cần phải tiếp tục để chúng ta có thể cứu sống và ngăn chặn những ca nhiễm virus corona ở mức độ nặng”, ông Lindmeier nói thêm.
Mỹ nhờ giám sát viên độc lập đánh giá vắc-xin AstraZeneca
Một quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết, kết quả thử nghiệm vắc-xin của AstraZeneca đối với 30.000 tình nguyện viên của nước này hiện đang được các giám sát viên độc lập xem xét để xác định liệu chúng có an toàn và hiệu quả hay không.
Theo Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nếu dữ liệu khả quan và mọi việc diễn ra suôn sẻ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể hoàn tất các đánh giá và cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin này sớm nhất vào tháng 4 tới.
Vắc-xin AstraZeneca hiện mới chỉ được cấp phép sử dụng ở Liên minh Châu Âu và nhiều nước khác, nhưng chưa được các cơ quan quản lý của Mỹ phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu gần đây đã tạm đình chỉ việc phân phối loại vắc-xin này, do lo ngại biến chứng mà nó gây ra.
Khi được hỏi về những vấn đề trên, Tiến sĩ Collins cho biết dù chưa xem xét dữ liệu từ châu Âu, song ông “khá yên tâm” với tuyên bố của các cơ quan quản lý của EU, rằng những vấn đề này chỉ xảy ra một cách tình cờ và không liên quan gì đến vắc-xin của AstraZeneca.
Moderna bắt đầu thử nghiệm vắc-xin thế hệ mới
Moderna hôm 15/3 thông báo đã tiêm chủng cho người tham gia đầu tiên trong quá trình nghiên cứu giai đoạn đầu về loại vắc xin Covid-19 mới, có khả năng được lưu trữ và vận chuyển trong tủ lạnh thông thường thay vì tủ đông chuyên dụng.
Công ty cũng cho biết, loại vắc-xin mới này có thể giúp việc phân phối trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi vấn đề về chuỗi cung ứng có thể cản trở tiêm chủng.
Nghiên cứu giai đoạn đầu sẽ đánh giá tính an toàn và khả năng sản sinh miễn dịch của vắc-xin thế hệ tiếp theo, có tên gọi là mRNA-1283, ở 3 mức liều lượng. Vắc-xin này sẽ được tiêm chủng cho người lớn khỏe mạnh với 1 liều duy nhất hoặc 2 liều trong thời gian cách nhau 28 ngày.
Tuần trước, Moderna cũng đã bắt đầu tiêm chủng cho những người tham gia đầu tiên vào quá trình thử nghiệm loại vắc-xin phòng chống biến thể virus corona ở Nam Phi của hãng.
Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến sáng 16/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận khoảng 120.741,878 ca nhiễm Covid-19. Số ca tử vong vẫn ở mức 2.671.105, song số ca bình phục đã lên tới 97.342.621.
Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19, Tuy nhiên, số ca tử vong mới tại nước này được ghi nhận đã giảm tới 22% vào tuần trước, trong khi tốc độ tiêm chủng đã đạt mức kỷ lục 2,4 triệu liều mỗi ngày.
Theo số liệu của Reuters và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này hiện đang lưu trữ khoảng 109.081.860 liều vắc xin Covid-19, và đã phân phối khoảng 135.847.835 liều, tính đến ngày 15/3. Tổng thống Joe Biden dự báo toàn bộ người dân Mỹ sẽ nhận đủ 100 triệu liều vắc-xin trong vòng 10 ngày tới.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Việt Anh
Thế giới điêu đứng vì thiếu oxy điều trị Covid-19
Các bệnh viện ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, sắp cạn kiệt oxy điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Hong Kong có 2 ca tử vong sau tiêm vắc-xin nội, thế giới hơn 80,5% khỏi Covid-19
Cơ quan Y tế Hong Kong (Trung Quốc) vừa ghi nhận 2 trường hợp người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do công ty ở đại lục sản xuất.