Theo Sputnik, các đại diện Trung Quốc đã đến thủ đô Dushanbe của Tajikistan hôm 18/8 để bắt đầu các hoạt động diễn tập an ninh song phương.
Ảnh: Global Times |
Với tên gọi "Hợp tác chống khủng bố 2021", cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước và là một phần của sự hợp tác an ninh lâu dài giữa Tajikistan và Trung Quốc. Song, sự kiện đã trở nên cấp bách khi Taliban giành chiến thắng chóng vánh trong cuộc tổng tấn công trên khắp lãnh thổ Afghanistan cuối tuần qua, xâm chiếm Kabul mà không vấp phải sự kháng cự nào.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích dẫn các bức thư của Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí gửi Bộ trưởng Nội vụ Tajikistan Ramazon Hamro Rahimzoda và Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Tajikistan Saimumin Yatimov cho biết: "Tình hình quốc tế đang thay đổi và tình hình chống khủng bố trong khu vực không mấy lạc quan. Các cuộc diễn tập an ninh sẽ nâng cao mức độ sẵn sàng hành động của lực lượng chống khủng bố của hai bên, nhằm thực hành các kỹ năng chống khủng bố và thể hiện quyết tâm của cả hai bên trong việc chống khủng bố cũng như đối phó hiệu quả với các mối đe dọa khủng bố mà cả hai nước phải đối mặt”.
Tajikistan có chung đường biên giới dài hơn 1.350km với Afghanistan. Tháng trước, nước này đã điều động khoảng 20.000 quân dự bị tới biên giới, sau khi dân thường và thậm chí cả binh lính Afghanistan bắt đầu bỏ chạy qua biên giới để lẩn tránh các cuộc tập kích của Taliban trong khu vực. Nga cũng điều lực lượng tới Tajikistan ngay sau đó.
Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc ở Trung và Nam Á là sự ổn định, đặc biệt ở Afghanistan, nơi Bắc Kinh hy vọng sẽ thuyết phục được Taliban chấm dứt hỗ trợ cho các nhóm khủng bố như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Bắc Kinh cáo buộc ETIM đang tìm cách tách khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, nơi có chung biên giới hẹp với Afghanistan, khỏi phần còn lại của đại lục và gây nhiều hành động khủng bố chết người ở nước này.
Trong chuyến công du Dushanbe hồi tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, nếu một nước Afghanistan nằm dưới sự quản lý của Taliban muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), phong trào Hồi giáo này sẽ phải chứng minh có khả năng điều hành đất nước một cách “có trách nhiệm". Afghanistan là quan sát viên của SCO từ năm 2005.
Trung Quốc và Tajikistan đã hợp tác về quân sự và các vấn đề an ninh khác từ năm 2006, thông qua SCO. Hai nước cũng không hợp tác với Pakistan và Afghanistan trong các nỗ lực chống khủng bố từ năm 2016 thông qua Cơ chế Điều phối và hợp tác bộ tứ (QCCM) kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Pakistan và chính phủ Afghanistan đã tan vỡ năm 2017 sau khi Tổng thống Afghanistan khi đó Ghani cáo buộc Islamabad phát động "một cuộc chiến tranh xâm lược không báo trước", trong khi quan hệ Bắc Kinh - Dushanbe tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Theo các hãng thông tấn lớn của phương Tây, kể từ đó, Bắc Kinh đã triển khai binh lính tới vùng viễn đông Tajikistan, dọc theo con đường gần nhất nối liền với đường biên giới dài khoảng 76km của Trung Quốc với Afghanistan.
Tuấn Anh
Vì sao một siêu cường quân sự thất bại ở Afghanistan?
Tốc độ Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cùng sự sụp đổ quá nhanh của chính quyền Kabul, đã dẫn đến vô số chỉ trích nhằm vào Tổng thống Joe Biden vì quyết định rút quân Mỹ.
Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải nhiều chỉ trích sau bài phát biểu về Afghanistan, gần 24 giờ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, thâu tóm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á.