Các nguồn tin chính phủ Thái Lan nói với Reuters hôm 1/8 rằng, các biện pháp hạn chế, bao gồm cả giới hạn đi lại, đóng cửa các trung tâm thương mại và áp lệnh giới nghiêm sẽ được mở rộng triển khai từ 13 tỉnh thành lên 29 tỉnh thành.

{keywords}
Một cơ sở tiêm ngừa Covid-19 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Trước đó, Thái Lan hôm 30/7 đã ban hành sắc lệnh cấm loan truyền các thông tin sai lệch "ảnh hưởng đến an ninh nhà nước, lạm dụng quyền của người khác, trật tự hoặc đạo đức tốt đẹp của người dân". Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho hay, việc phát tán tin tức giả mạo đã trở thành một vấn nạn lớn, gây hoang mang trong xã hội và làm suy yếu khả năng khống chế đại dịch của chính phủ.

Sắc lệnh mới cũng cho phép cơ quan quản lý nhà nước ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ chặn internet của các địa chỉ IP cá nhân nếu họ tin những địa chỉ đó đang phát tán tin giả, đồng thời báo cáo cho cảnh sát thực thi hành động pháp lý.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 18.027 ca mắc với 133 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 615.314 người, trong đó 4.990 bệnh nhân thiệt mạng.

Israel tiêu hủy hàng chục nghìn liều vắc xin Pfizer hết hạn

Mặc dù Israel vừa mới xúc tiến chiến dịch tiêm bổ sung liều vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 cho người cao tuổi, nhưng truyền thông địa phương đưa tin, Tel Aviv đang chuẩn bị tiêu hủy hàng chục nghìn liều vắc xin đã hết hạn vào cuối tháng 7.

Theo kênh truyền hình 12 của Israel, chính phủ Do Thái buộc phải vứt bỏ khoảng 80.000 triệu liều Pfizer chưa sử dụng, trị giá tới 1,8 triệu USD vì quá hạn. Nhà chức trách đã nỗ lực đổi số vắc xin này với các quốc gia khác hoặc sử dụng chúng để tiêm chủng cho càng nhiều công dân càng tốt, nhưng họ chỉ thành công một phần.

Sau khi thỏa thuận trao đổi vắc xin ban đầu với Palestine thất bại do lo ngại sản phẩm quá gần ngày hết hạn, Israel đã ký một thỏa thuận tương tự với Hàn Quốc. Theo đó, chính phủ Do Thái sẽ bàn giao ngay cho Hàn Quốc khoảng 700.000 liều trong số gần 1,4 triệu liều Pfizer hết hạn sử dụng vào cuối tháng 7 để đổi lấy số liều tương ứng Seoul đã đặt hàng và dự kiến được nhận vào mùa thu năm nay.

Tel Aviv đã lên kế hoạch sử dụng thêm 600.000 liều để chủng ngừa cho trẻ từ 12 - 15 tuổi. Song, theo báo RT, Tel Aviv dự kiến sẽ phải tiêu hủy phần lớn số vắc xin quá hạn nói trên, có thể lên tới hàng trăm nghìn liều.

Bộ Y tế Israel không xác thực hay phủ nhận việc phải vứt bỏ vắc xin, viện dẫn lí do vì "các thỏa thuận tối mật".

Campuchia bắt đầu chủng ngừa cho trẻ 12 - 17 tuổi

Campuchia ngày 1/8 đã xúc tiến tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, việc chủng ngừa cho trẻ em là bước quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Ước tính, khoảng 2 triệu trẻ em ở Campuchia sẽ được tiêm vắc xin trong chiến dịch này. Ông Hun Sen tiết lộ, nhà chức trách đang cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm chủng sang nhóm tuổi 10 -11.

Ngoài ra, nhà chức trách sẽ bắt đầu tiêm bổ sung mũi vắc xin thứ 3 cho người dân bằng sản phẩm của AstraZeneca hoặc vắc xin do Trung Quốc sản xuất nhằm ngăn chặn virus lây lan. Mũi tiêm tăng cường sẽ được ưu tiên dành cho 500.000 - 1.000.000 nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Cho đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng gần 78.000 ca mắc, trong đó 1.420 bệnh nhân tử vong.

Pfizer, Moderna bị tố đẩy giá vắc xin bán cho EU

Theo tờ Financial Times, các hợp đồng giữa hai hãng dược phẩm Mỹ với Liên minh châu Âu hé lộ, giá mới nhất của Pfizer cho một liều vắc xin ngừa Covid-19 là 19,5 Euro (khoảng 23 USD), tăng 4 Euro so với mức giá trước đó. Trong khi, giá mới nhất của Moderna cho một liều vắc xin là gần 21,5 Euro (25,5 USD), tăng so với mức giá 19 Euro (22,6 USD) trước đây, dù vẫn thấp hơn mức dự báo 28,5 USD do EU đang đặt mua thêm liều.

Không giống AstraZeneca, hãng chỉ bán vắc xin với giá gốc, Pfizer và Moderna có thể tăng giá sản phẩm, thu lợi hàng chục tỷ USD. Chỉ tính riêng Pfizer, công ty này dự báo sẽ đạt doanh thu 33,5 tỷ USD từ vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021. Con số đã tăng 7,5 tỷ USD so với mức dự báo vào quý năm ngoái.

Mặc dù xếp sau Pfizer về doanh thu, Moderna cũng được tin sẽ đút túi 19,2 tỷ USD trong năm nay.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 2/8 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 199 triệu người, hơn 4,2 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 179,6 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 35,8 triệu ca mắc và xấp xỉ 630.000 bệnh nhân không qua khỏi. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ không triển khai tái phong tỏa để ngăn chặn Covid-19, nhưng "mọi thứ đang tiến triển xấu đi" do biến thể Delta làm tăng mạnh số ca mắc.

- Trung Quốc hôm 1/8 ghi nhận 75 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở 8 tỉnh, tăng 30 ca so với lượng nhiễm mới trong cộng đồng một ngày trước đó. Nhà chức trách tin, một ổ dịch liên quan một sân bay miền Đông nước này có thể đã lây lan tới hơn 30 tỉnh, thành khắp cả nước. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai xét nghiệm quy mô lớn đối với hàng triệu người và áp hạn chế đi lại mới nhằm khống chế dịch.

- Cùng ngày, trang thông tin điện tử của vùng Lazio, nơi tọa lạc thủ đô Rome của Italia đã ngưng hoạt động sau khi bị tấn công mạng, gây gián đoạn hệ thống đặt lịch hẹn tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Tuấn Anh 

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Campuchia tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 cho dân

Campuchia tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 cho dân

Nhà chức trách Campuchia tuyên bố sẽ bắt đầu tiêm bổ sung mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 cho người dân bằng sản phẩm của AstraZeneca hoặc vắc xin do Trung Quốc sản xuất nhằm ngăn chặn virus lây lan.

WHO cảnh báo về biến thể Delta, châu Á siết hạn chế chống Covid-19

WHO cảnh báo về biến thể Delta, châu Á siết hạn chế chống Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới có nguy cơ để mất thắng lợi khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống Covid-19 vì biến thể Delta, nhưng khẳng định các vắc xin hiện hành vẫn hiệu quả.

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).