Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 29/6 (theo giờ Việt Nam), gần 10,2 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm virus corona chủng mới, ít nhất 503.149 trường hợp trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 5,5 triệu bệnh nhân Covid-19, tương đương hơn 54% số ca bệnh hồi phục sau điều trị.

{keywords}
Một nhân viên tại nhà hỏa táng La Recoleta ở Santiago, Chile đang chuẩn bị hỏa thiêu thi thể một nạn nhân chết vì dịch Covid-19. Ảnh: AP

Mỹ cảnh báo giảm cơ hội dập dịch

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, tổng số ca mắc và tử vong đều cao nhất thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, xứ sở cờ hoa ghi nhận thêm 33.279 ca dương tính với virus, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 2,6 triệu người. Tổng số ca tử vong tính đến sáng sớm 29/6 lên tới 128.392 người, tăng 240 người so với một ngày trước đó.

Theo CNN, do dịch bệnh phức tạp, 12 bang của Mỹ, bao gồm cả Florida, Texas và Washington đã phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại. Phó Tổng thống Mike Pence cũng phải hủy các sự kiện vận động tái tranh cử tại những "điểm nóng" Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Alex Azar cảnh báo, "cánh cửa cơ hội" cho Mỹ hành động để dập dịch thành công "đang khép dần". Trích dẫn số ca nhiễm tăng vọt gần đây ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền nam, ông Azar yêu cầu người dân phải "hành xử có trách nhiệm" thông qua tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Dịch diễn biến phức tạp ở châu Á

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Á khi số ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh ở nhiều nước từng kiểm soát tốt dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, nhà chức trách cuối tuần qua đã phải cho triển khai các biện pháp tái phong tỏa ngay lập tức đối với huyện An Tân thuộc tỉnh Hà Bắc, nơi chỉ cách Bắc Kinh khoảng 140km nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Động thái diễn ra sau khi huyện này ghi nhận tới 13 ca nhiễm mới Covid-19, tất cả đều liên quan đến chợ đầu mối Xinfadi, "ổ dịch" mới bùng phát ở thủ đô cách đây 2 tuần.

Tổ công tác chống dịch tái bùng phát của An Tân cho biết, tình hình tại địa phương "vô cùng nghiêm trọng". Gần nửa triệu dân của huyện hiện phải tuân thủ các biện pháp giới hạn nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để phòng chống Covid-19.

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, đại lục ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc tính đến sáng 29/6 lên 83.500 người với tổng số trường hợp tử vong không đổi suốt nhiều ngày qua là 4.634 người.

Tại Hàn Quốc, nhà chức trách cũng đang phải vật lộn đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai ở Seoul và các vùng lân cận. Sau thời gian đầu kiểm soát tốt dịch, xứ sở kim chi đang chứng kiến sự xuất hiện của một số cụm lây nhiễm virus mới kể từ khi lệnh nới lỏng giãn cách xã hội bắt đầu có hiệu lực hôm 6/5.

Tính đến sáng sớm 29/6, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 12.715 ca bệnh, tăng 62 người so với một ngày trước đó nhưng không có trường hợp nào tử vong. Tổng số người thiệt mạng vì dịch trên toàn quốc hiện dừng ở con số 282 người.

Tương tự, Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Tokyo sau quyết định chấm dứt các biện pháp hạn chế ở các tụ điểm vui chơi, giải trí ban đêm hồi tuần trước. Hôm 28/6, các quan chức y tế thông báo có thêm 60 ca mắc mới Covid-19 ở Tokyo, mức tăng cao nhất trong ngày một tuần trở lại đây. Đất nước mặt trời mọc hiện ghi nhận gần 18.300 ca bệnh trên toàn quốc với 971 người trong số đó đã tử vong.

Ở Đông Nam Á, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, sự chủ quan, lơ là của nhiều quan chức đã khiến tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến ngày càng phức tạp. Số ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia tiếp tục tăng sau khi nhà chức trách nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và cho phép một số doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tháng 6/2020.

Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục, thêm 1.198 người, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên tới hơn 54.000 người. Tổng số bệnh nhân tử vong vì dịch là 2.754 người, tăng 34 trường hợp so với một ngày trước đó.

Phát biểu trong cuộc họp nội các trực tuyến hôm 28/6, ông Widodo khẳng định sẵn sàng cải tổ và thậm chí giải tán một số cơ quan chính phủ nếu họ vẫn không làm tròn trách nhiệm dập dịch.

Tuấn Anh