Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 1.509.355 ca dương tính với virus corona chủng mới và 88.331 trường hợp đã tử vong. Song, hơn 1/5 số bệnh nhân Covid-19 ( gần 329.674 người) đã hồi phục sau điều trị.
Các nhân viên y tế đang đưa một bệnh nhân nhiễm Covid-19 rời Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Magnolia ở Los Angeles, Mỹ tới bệnh viện điều trị hôm 8/4. Ảnh: AP |
Mỹ và châu Âu hiện vẫn là các tâm chấn của đại dịch toàn cầu với tổng số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 không ngừng gia tăng mỗi ngày.
Mỹ ghi nhận kỷ lục mới
Mỹ đã nhanh chóng trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19 khi chứng kiến tốc độ gia tăng chóng mặt các ca nhiễm mới virus trong tuần này. Tính đến hết ngày 8/4, tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới ở nước này đã lên tới 427.101 người, tăng hơn 26.766 người một ngày trước đó và chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm toàn cầu.
Việc có thêm gần 2.000 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua cũng đánh dấu kỷ lục mới trong ngày của Mỹ, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng toàn quốc vì dịch lên 14.668 người.
Bang New York là tâm chấn của dịch Covid-19 tại Mỹ với 779 ca mới tử vong trong ngày 8/4, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng vì dịch tại bang lên 6.298 người. Thống đốc Andrew Cuomo đã yêu cầu toàn bang để cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân.
Mặc dù tỉ lệ tử vong tiếp tục tăng chóng mặt nhưng ông Cuomo khẳng định bang New York đã làm phẳng được đường cong dịch bệnh vì số trường hợp phải nhập viện đang giảm xuống, một phần nhờ lệnh ở nhà để ngăn ngừa virus lây lan. Ông Cuomo lưu ý, nếu xu hướng giảm tiếp tục, hệ thống y tế của bang sẽ hoạt động ổn định trong 2 tuần tới và đủ sức ứng phó với dịch.
Anh trải qua ngày chết chóc chưa từng thấy
Anh vừa trải qua ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát nước này. Số liệu thống kế chính thức cho thấy, nước này có thêm 938 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại các bệnh viện trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng vì virus trên toàn quốc lên 7.097 trường hợp. Song, báo The Guardian dẫn lời các chuyên gia nhận định, số ca tử vong trong thực tế nhiều khả năng cao hơn số liệu thống kê chính thức.
Phát ngôn viên của Chính phủ Anh thông báo, Thủ tướng Boris Johnson vẫn phải nằm ở phòng điều trị tích cực trong bệnh viện vì nhiễm Covid-19, nhưng tình trạng bệnh của ông đang được cải thiện. Ông hiện đã ngồi dậy được và tích cực tham gia vào quá trình điều trị của đội ngũ y bác sĩ.
EU yêu cầu các nước kéo dài lệnh hạn chế đi lại
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 8/4 đã yêu cầu các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen ít nhất đến ngày 15/5, đồng thời tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để làm chậm lại tốc độ lây lan của virus corona chủng mới. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng kêu gọi các nước EU dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dược phẩm để tránh gây thiếu hụt mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chống dịch Covid-19 trong khu vực.
Theo CNN, Italia vẫn là nước có tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất thế giới với 17.669 trường hợp, tăng thêm 542 ca trong ngày 8/4. Tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này hiện gần 140.000 người. Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 8/4 đã bác bỏ lời kêu gọi cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại, đồng thời yêu cầu người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm lệnh phong tỏa toàn quốc để chống dịch.
Mặc dù tại những "điểm nóng" khác về dịch tại châu Âu như Tây Ban Nha và Pháp, số ca nhiễm mới Covid-19 có xu hướng giảm nhưng người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh, tình hình dịch trong khu vực "rất đáng quan ngại". Quan chức này hối thúc các chính phủ "cần cân nhắc rất thận trọng" trước khi nới lỏng các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của virus.
Các tin nóng khác về đại dịch Covid-19:
- Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán, thương mại toàn cầu sẽ giảm tới 1/3 do sự bùng phát của dịch Covid-19 và đây là "kết cục không thể tránh khỏi".
- Mauro Ferrari, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học của Liên minh châu Âu (ERC) vừa xin từ chức sau 3 tháng nắm quyền lãnh đạo cơ quan, với lí do đã mất niềm tin vào hệ thống sau khi ông không thể thiết lập một chương trình đặc biệt để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, ERC phản bác rằng, ông Ferrari buộc phải ra đi sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của cơ quan do không làm tốt các trọng trách được giao.
- Thị trưởng thành phố Dnipro ở Ukraina đã cho đào sẵn hơn 600 ngôi mộ và đặt thêm 2.000 túi đựng xác vừa để phòng ngừa kịch bản xấu, vừa nhằm cảnh báo người dân về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 8/4, Ukraina ghi nhận 1.668 ca dương tính với virus corona chủng mới với 52 trường hợp đã tử vong.
- Tổng thống Peru Martín Vizcarra tuyên bố sẽ kéo dài thời gian áp đặt sắc lệnh khẩn cấp quốc gia, kể cả phong tỏa toàn đất nước vì dịch Covid-19 thêm 2 tuần nữa, cho tới ngày 26/4. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận ca dương tính với virus corona chung mới đầu tiên vào ngày 6/3 và hiện đã có tới 2.954 trường hợp mắc bệnh với 107 người đã tử vong.
- Theo Bộ trưởng Y tế Phần Lan Aino-Kaisa Pekonen, nhà chức trách nước này phát hiện lô hàng đầu tiên gồm 2 triệu khẩu trang đặt mua từ Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn phòng chống virus corona chủng mới trong môi trường y tế. Thủ tướng Sanna Marin mới đây đã lên tiếng chỉ trích chính quyền một số địa phương đã không tích trữ trang thiết bị và đồ bảo hộ y tế đủ dùng trong 3 - 6 tháng như kế hoạch sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ.
- Nhiều bang và thủ đô New Delhi của Ấn Độ vừa ra quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, kể cả khi ngồi trên xe hơi và ở nơi làm việc. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Tuấn Anh