Tuy nhiên, trên 242,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỷ lệ khỏi bệnh gần 90%.

{keywords}
Các nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại phòng chăm sóc tích cực (ICU) tại bệnh viện Milton Keynes, Anh. Ảnh: Guardian

Số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch trên thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, trong bối cảnh nhiều chính phủ đã cho tái triển khai hoặc siết chặt các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sở hữu lượng đột biến lớn nhất từng được phát hiện.

Mặc dù biến thể Delta vẫn tiếp tục thống trị toàn cầu nhưng nhiều ý kiến lo ngại Omicron sẽ sớm soán ngôi. Cho đến nay, Omicron đã xuất hiện ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dù giới khoa học chưa xác định được mức độ nguy hiểm của biến thể mới, nhưng nhiều nước đã kích hoạt báo động và nhanh chóng áp đặt hạn chế chuyến bay, nhập cảnh từ các quốc gia miền nam châu Phi.

Theo thống kê của báo New York Times, cho đến nay, hơn 4,37 tỷ người dân trên hành tinh, tương đương khoảng 57% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đang dẫn đầu thế giới về chủng ngừa với xấp xỉ 100% dân đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, 90% hoàn thành tiêm chủng và 30% được tiêm mũi tăng cường.

Mỹ nhận tin buồn

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 với gần 50,7 triệu ca mắc, 816.931 bệnh nhân không qua khỏi. Khoảng 60% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 15% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Theo Sputnik, dịch đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, với chiều hướng tăng mạnh cả số ca mắc mới và tử vong trong tuần này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 10/12, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho hay: "Tính trung bình 7 ngày hiện nay, số ca mắc mới chừng 118.500 ca/ngày, tăng khoảng 37% so với tuần trước. Số ca tử vong trung bình là 1.100 trường hợp/ngày, tăng khoảng 28% so với cách đây một tuần".

Lãnh đạo CDC cho biết thêm, trong cùng khoảng thời gian, số ca phải nhập viện điều trị vì dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng lên tới 7.441 người/ngày, tăng khoảng 16%.

Phát hiện mới, đáng chú ý về biến thể Omicron

Các nghiên cứu mới phát hiện, so với biến thể Delta, hai liều của các vắc xin đang lưu hành bị giảm tác dụng trước biến thể Omicron. Liều vắc xin thứ 3 cũng bị giảm tác dụng trước biến thể mới, nhưng vẫn đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường miễn dịch cho con người. Việc tiêm mũi bổ sung bằng vắc xin Pfizer/BioNTech sau hai mũi đầu tiên bằng sản phẩm của Oxford/AstraZeneca hoặc Pfizer sẽ tăng khả năng bảo vệ lên 70 - 75%.

Theo các dữ liệu từ Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA), Omicron dự kiến sẽ trở thành biến thể thống trị ở xứ sở sương mù vào giữa tháng 12. Dựa theo các xu hướng hiện tại, nhà chức trách dự báo, nước này có thể ghi nhận thêm hơn một triệu ca mắc vào cuối tháng với phần lớn trong số này mắc biến thể mới.

Theo báo Guardian, trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục tính từ ngày 9/1. Với 58.194 ca mắc mới và thêm 120 bệnh nhân tử vong trong vòng 28 ngày có xét nghiệm dương tính đã nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc kể từ đầu dịch lên hơn 10,7 triệu, bao gồm hơn 146.000 trường hợp thiệt mạng.

Sau khi chủ trì một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp Cobra, Bộ trưởng Nhà ở, cộng đồng và chính quyền địa phương Michael Gove tiết lộ, Chính phủ Anh đã nhận được một số thông tin mới rất đáng lo ngại về biến thể Omicron và sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp hạn chế phòng chống dịch.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Cuối ngày 10/12, Bộ Y tế Singapore thông báo, nước này sẽ bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi bằng vắc xin Pfizer trước cuối năm nay.

- Cùng ngày, Quốc hội Đức đã thông qua luật mới, yêu cầu các y, bác sĩ và nhân viên làm việc tại các bệnh viện, phòng khám và nhà dưỡng lão ở nước này hiện cần phải chứng minh họ đã tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi nhiễm virus vào khoảng giữa tháng 3. Luật mới cũng cho phép 16 bang của Đức đóng cửa các quán bar và nhà hàng cũng như cấm các sự kiện lớn, quy tụ đông người do tỉ lệ lây nhiễm virus cao. Đức đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 4 với tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp so với phần còn lại của chây Âu. Khoảng 69% dân số toàn quốc đã hoàn thành chủng ngừa và ít nhất 21% đã tiêm mũi tăng cường.

- Nhiều hiệu thuốc trên khắp nước Pháp đã thông báo về tình trạng thiếu bộ xét nghiệm Covid-19, khi người dân tìm cách tích trữ tối đa những công cụ này nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người thân trong dịp nghỉ lễ cuối năm.

- Chính phủ Lào đã thông qua kế hoạch “Vùng xanh du lịch” nhằm mở cửa trở lại một số lĩnh vực của đất nước cho du khách từ tháng 1/2022. Cụ thể, du khách Lào và nước ngoài đến các "Vùng xanh du lịch" phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin ít nhất 14 ngày trước chuyến đi. Du khách nước ngoài phải xin cấp thị thực trực tuyến, phải có xác nhận xét nghiệm PCR âm tính ít nhất 72 giờ trước khi khởi hành, đồng thời phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm ngay sau khi nhập cảnh.

- Chính phủ Indonesia vừa cho phép các địa phương trên toàn quốc bắt đầu triển khai chương trình chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi, từ ngày 24/12. Bộ Nội vụ Indonesia cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn tất chỉ tiêu tiêm chủng trên địa bàn, phấn đấu đạt 70% tiêm chủng mũi thứ nhất và 48,57% mũi thứ hai vào cuối năm nay.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Đông Nam Á căng mình chống biến thể Omicron, WHO kêu gọi không hoảng sợ

Đông Nam Á căng mình chống biến thể Omicron, WHO kêu gọi không hoảng sợ

Các nước Đông Nam Á đang gấp rút tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 trong bối cảnh Singapore và Malaysia đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron đầu tiên.

Covid-19 bùng mạnh ở châu Âu, ca mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục

Covid-19 bùng mạnh ở châu Âu, ca mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, châu Âu một lần nữa đang là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, đồng thời cảnh báo không quốc gia hay khu vực nào "đã thoát khỏi nguy hiểm".