Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 28/11 (theo giờ Việt Nam), virus corona chủng mới đã tấn công 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 62 triệu người, trong đó hơn 1,4 triệu trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trên 42,7 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.

{keywords}
Các nhân viên y tế Mỹ đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tài xế. Ảnh: EPA

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 13,4 triệu ca mắc và 270.833 người thiệt mạng. Hai ổ dịch lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới lần lượt là Ấn Độ với hơn 9,3 triệu ca nhiễm và Brazil với hơn 6,2 triệu bệnh nhân.

Triều Tiên đóng cửa thủ đô Bình Nhưỡng

Các nhà lập pháp Hàn Quốc hôm 27/11 cho biết, Triều Tiên đã đóng mọi cửa ngõ thủ đô Bình Nhưỡng cũng như áp phong tỏa các thành phố khác nhằm phòng chống dịch.

Theo các nguồn tin ở nước láng giềng, lệnh cấm người và các phương tiện ra vào Bình Nhưỡng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/11. Trước đó, lệnh phong tỏa bắt đầu được triển khai ở thành phố Hyesan giáp biên giới với Trung Quốc từ ngày 1/11 và tại thành phố Nampo, nơi có cảng biển lớn nhất nước từ ngày 6/11.

Dù chưa công bố bất kỳ ca dương tính nào với virus corona chủng mới, nhưng chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ đầu năm nay đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc và Nga để ngăn ngừa nguy cơ virus xâm nhập.

Yonhap trích dẫn thông tin do truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải nói, nhà chức trách nước này dường như đã yêu cầu các học sinh tiểu học phải học tại nhà để tránh tụ tập đông người ở các cơ sở giáo dục. Theo Uriminzokkiri, một trong những trang web tuyên truyền của Triều Tiên, các giáo viên tiểu học ở thủ đô cứ 3 ngày lại tới tận nhà học sinh để dạy khi trường học đóng cửa.

Triều Tiên đã kéo dài kỳ nghỉ đông cho học sinh tới tận đầu tháng 6 giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu. Nhà chức trách một lần nữa kéo dài kỳ nghỉ hè để phòng chống dịch bằng cách trì hoãn thời điểm bắt đầu các học kỳ mùa thu.

Mỹ triệu họp khẩn CDC vì đề xuất vắc-xin

Các cố vấn cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã triệu tập họp khẩn vào ngày 1/12 để họ có thể bỏ phiếu thông qua những đề xuất về các cá nhân đầu tiên được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 khi Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp sản phẩm này.

“Chúng tôi nhóm họp vì FDA và chiến dịch Warp Speed đã yêu cầu các tiểu bang và những khu vực pháp lý khác đệ trình kế hoạch của họ vào thứ Sáu tuần tới”, tiến sĩ Jose Romero, chủ tịch Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng chia sẻ trên CNN. Ông Romero, người hiện đang giữa chức lãnh đạo y tế của bang Arkansas khẳng định, không có quy trình nào đang bị đẩy nhanh do các quan chức và chuyên gia đã tổ chức thảo luận kỹ lưỡng theo nhóm.

CDC hiện đề xuất nhóm được tiêm vắc-xin đầu tiên là các nhân viên y tế cùng đội ngũ hỗ trợ và những cư dân tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch.

Đảo Síp áp lệnh giới nghiêm toàn quốc

Do số ca nhiễm tăng mạnh, nhà chức trách ở phía nam đảo Síp đã học theo Hy Lạp, quyết định triển khai các biện pháp mới nhằm giới hạn đi lại, kể cả ban hành sắc lệnh giới nghiêm vào ban đêm khắp toàn quốc.

Báo Guardian dẫn lời Constantinos Ioannou, lãnh đạo Bộ Y tế Síp nói, mặc dù chính phủ nước này đã chấm dứt phong tỏa các vùng ở khu vực tây nam hòn đảo, nhưng lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau sẽ được triển khai khắp cả nước từ ngày 30/11 - 13/12. Nhà chức trách địa phương hy vọng có thể làm chậm lại sự lây lan của Covid-19 trước lễ Giáng sinh.

Tính đến sáng sớm 28/11, Síp ghi nhận tổng cộng 9.983 ca mắc với 48 người đã tử vong.

Các diễn biến đáng chú ý khác về đại dịch:

- Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27/11 cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với một mùa đông đầy thách thức vì dịch, khi thời tiết lạnh tạo thuận lợi cho virus phát triển và tăng áp lực lên hệ thống y tế quốc gia (NHS).

 - Theo Reuters, Peru đã bảo đảm thu mua đủ vắc-xin chủng ngừa Covid-19 cho 3/4 dân số nước này (31,9 triệu người). Bộ Y tế nước này tiết lộ đã ký các hợp đồng với hãng dược Pfizer và chương trình phân phối vắc-xin toàn cầu COVAX về việc cung cấp 23,1 triệu liều..

- Hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca thông báo sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm bổ sung nhằm đánh giá lại hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19 do công ty phát triển. Hiện AstraZeneca đối mặt với nghi ngờ về tỷ lệ hiệu quả 90%, vì trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra nhầm lẫn. Những người tham gia thử nghiệm ban đầu chỉ được tiêm nửa liều vắc-xin và về sau mới được tiêm liều đầy đủ.

- Thủ tướng Pháp Jean Castex tin, dịch đang giảm dần tại nước này so với các quốc gia châu Âu khác. Theo kế hoạch, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống virus corona chủng mới ở Pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 28/11. Nếu số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống dưới mốc 5.000 trường hợp, chính phủ nước này có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 15/12, nhưng duy trì giới nghiêm ban đêm để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch lần 3.

Tuấn Anh 

Thống đốc New York dọa kiện ông Trump vì vắc-xin ngừa Covid-19

Thống đốc New York dọa kiện ông Trump vì vắc-xin ngừa Covid-19

Thống đốc New York cam kết sẽ "điều động quân đội" để đảm bảo sự tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng cho mọi cư dân của bang, đồng thời đe dọa kiện chính quyền ông Trump nếu Washington ngăn cản việc đó.

Ông Trump thú nhận hiện trạng Covid-19 ở Mỹ, châu Âu đối mặt viễn cảnh tồi tệ

Ông Trump thú nhận hiện trạng Covid-19 ở Mỹ, châu Âu đối mặt viễn cảnh tồi tệ

Tổng thống Donald Trump dường như thú nhận Covid-19 đang hoành hành ở Mỹ, trái ngược với các tuyên bố lúc tái tranh cử về việc Washingtong đã "đảo ngược được tình thế" về đại dịch.