Gói viện trợ bao gồm 6,5 tỷ USD dành cho việc Mỹ đưa vũ khí và quân đội đến Đông Âu, trang bị cho các lực lượng đồng minh để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Bên cạnh đó là khoản 6,8 tỷ USD để chăm sóc người tỵ nạn và cung cấp viện trợ kinh tế cùng một khoản nhỏ giúp các cơ quan liên bang thực thi biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và bảo đảm an ninh mạng.
Theo lịch trình, dự luật sẽ được Thượng viện Mỹ xem xét vào cuối tuần này.
Báo Anh The Guardian đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, nước này đang lên kế hoạch cung cấp các vũ khí chống máy bay Starstreak cùng “một lô hàng nhỏ” tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine.
Canada cũng sẽ cung cấp cho Kiev thêm 50 triệu USD viện trợ quân sự cả sát thương và phi sát thương.
Trước đó, ngày 9/3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Kyrylo Shevchenko cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine để tài trợ chi tiêu và củng cố cán cân thanh toán.
Nhân viên an ninh Ukraine kiểm tra một vỏ đạn sau khi Nga nã pháo vào một tòa nhà ở Mykolaiv, miền đông Ukraine. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Ukraine |
Theo thông tin từ Anh, Bộ Ngoại giao Nga đã xác nhận sử dụng hệ thống vũ khí TOS-1A ở Ukraine. Bộ Quốc phòng ở London cho biết, hệ thống sử dụng các tên lửa nhiệt áp, tạo ra các hiệu ứng cháy và nổ.
Các quan chức phương Tây bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hóa học khi quân Nga đang tiến dần về phía thủ đô ở Kiev. Trong khi đó, Moscow cáo buộc Mỹ giúp vận hành các “phòng thí nghiệm sinh học” ở Ukraine chuyên về các mầm bệnh rất nguy hiểm. Moscow còn tố Kiev đang cố sức tiêu hủy các vật liệu và che giấu hành động mà có thể vi phạm Công ước về Vũ khí Sinh học năm 1972.
Tuy nhiên, Washington khẳng định không hề vận hành bất kỳ phòng thí nghiệm hóa học hay sinh học nào ở Ukraine, khẳng định Mỹ “tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước về Vũ khí Hóa học và Công ước về Vũ Khí sinh học, cũng không phát triển hay sở hữu các loại vũ khí này ở bất kỳ nơi đâu”, phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ngày 10/3.
Ông Price còn nói rằng chính Moscow chứ không phải Washington đang điều hành “các chương trình vũ khí hóa học và sinh học đang hoạt động”. Tuy nhiên, quan chức này không nêu cụ thể bằng chứng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa đáp xuống Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Trong một video đăng trên Facebook, Ngoại trưởng Kuleba bày tỏ ông không kỳ vọng nhiều.
Hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp thấp hơn ở Belarus nhưng không đạt được đột phá.
Chính quyền thủ đô Vilnius của Lithuania đã đặt lại tên con đường có đại sứ quán Nga thành “Những người hùng Ukraine” để phản đối chiến dịch quân sự của Moscow. Tuần trước, Latvia cũng có hành động tương tự, đặt tên con đường có đại sứ quán Nga ở Riga thành "Ukraine độc lập".
Nhân viên khẩn cấp và tình nguyện viên Ukraine khiêng một người bị thương khỏi bệnh viện phụ sản bị đánh bom ở Mariupol. Ảnh: AP |
Reuters đưa tin, Ukraine đã mở 7 hành lang nhân đạo giữa lúc có tin quân đội Nga đã chiếm được một số khu vực thuộc Mariupol trong ngày chiến sự thứ 15. Phó Thủ tướng Ukraine nói rằng người dân đang sơ tán theo 3 luồng kể từ khi có lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, có tin không kích vẫn xảy ra ở thành phố trong sáng nay.
Phía Nga khẳng định thông tin nói rằng quân đội nước này đánh bom bệnh viện là tin giả, tuyên bố tòa nhà từng là bệnh viện phụ sản nhưng đã bị quân đội Ukraine trưng dụng.
Thanh Hảo
Hình ảnh thành phố Ukraine trước và sau khi hứng mưa đạn pháo
Mức độ tàn phá mà thành phố cảng Mariupol, Ukraine phải hứng chịu đã được thể hiện rõ trong các bức ảnh vệ tinh chụp trước và sau khi bị quân Nga tấn công.