Sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển, đơn vị tổ chức phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP Hà Nội. Trong đó, phương án số 12 của liên danh tư vấn thiết kế gồm Công ty TNHH Kiến trúc NIWA - Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Vietnam - Công ty TNHH Chodai - Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH Village được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất.
Điểm nhấn của phương án này là hình tượng cầu Trần Hưng Đạo với những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu.
Trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thiết kế tối ưu, VietNamNet tiếp tục nhận được bài viết của bạn đọc Đỗ Hữu Diên (Hà Nội) góp ý về phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo mà Hội đồng TP Hà Nội đã chọn. Xin giới thiệu bài viết góp ý của bạn đọc Đỗ Hữu Diên:
Về 3 phương án đã được chọn, tôi thấy nó không hợp với tên và lịch sử của Hưng Đạo Vương. Cả 3 phương án có vẻ "ẻo lả" mỏng manh, không mạnh mẽ.
Rồi mai đây Hà Nội xây dựng thành phố ven sông Hồng thì cây cầu như thế sẽ lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng và rồi nó cũng như các cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì mà thôi.
Thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo |
Thực sự tôi vẫn tiếc nuối phương án “Xứ Đông Dương”, nó sẽ nổi bật bên cạnh các khối nhà cao tầng bởi nó có các trụ tháp, điểm nhấn kiến trúc.
Trước khi ra, vào trung tâm Hà Nội, người, xe qua trụ tháp chắc chắn lòng người sẽ lưu luyến, háo hức. Tôi chưa đi được nhiều nước, mới chỉ qua Lào, khi đi qua Khải Hoàn Môn ở Viêng - Chăn thấy cái gì đó nó thiêng liêng, bâng khuâng khi vào, ra khỏi thành phố.
Nếu được phép đề nghị, tôi xin Thành phố đưa thêm phương án “Xứ Đông Dương” vào để nhân dân tham gia. Nhưng đề nghị bỏ tên phương án “Xứ Đông Dương” và chọn tên khác. Bởi đâu chỉ có xứ Đông Dương mới có cầu Trụ Tháp.
Về vật liệu: Tôi đồng ý phải dùng vật liệu để cầu sử dụng dài lâu. Nhưng không chỉ có bê tông dự ứng lực mới là vĩnh cửu. Thép ngày nay nó khác thép làm cầu Long Biên, thép dầm cầu Thăng Long là hợp kim thấp, bu lông cường độ cao.
Cái điều cốt yếu là vật liệu nào để sử dụng lâu dài, thi công vượt khẩu độ lớn, kinh tế và duy tu bảo quản thuận tiện.
Về phương pháp thi công dầm cầu: Ngày nay phương pháp thi công cầu trên sông, một trong những phương án thiết kế và thi công phải xem xét đó là khẩu độ dầm để giảm trụ cầu bởi thi công trụ dưới sông nói chung vừa tốn thời gian vừa tốn kinh phí. Và còn vấn đề thoát nước và chống xói lòng sông. Điều này phải qua khảo sát địa chất và địa hình, lĩnh vực thiết kế xử lý, nên không thể tham gia theo cảm tính.
Tôi xin tham gia một số ý kiến trên đây, chúng ta đóng góp tiếng nói với thành phố để chọn được phương án hợp lòng dân, thành phố có công trình xứng đáng với tên tuổi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Bạn có ý kiến khác xin gửi về Email: banthoisu@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được Ban Biên tập chọn đăng tải. Trân trọng! |
Đỗ Hữu Diên
Thép có thể làm cầu Trần Hưng Đạo đi vào lịch sử
Lịch sử kết cấu thép thế giới được khởi nguồn từ thế kỷ 18 khi công nghệ luyện kim của châu Âu đã đạt những bước tiến vượt bậc để kiểm soát các đặc tính, chất lượng của kết cấu thép.
Cầu Trần Hưng Đạo không nên có kết cấu như cầu Chương Dương, Long Biên
Dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, với mức vốn khoảng 9.000 tỷ đồng đang được Ban quản lý dự án Giao thông Hà Nội tổ chức trưng bày các phương án thiết kế kiến trúc.