Ông Phùng Ngọc Sâm, TGĐ Công ty Hanfimex cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay cước vận tải biển tăng chóng mặt khiến DN xuất nhập khẩu trong nước rất khó khăn.

Cụ thể, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu, Địa trung Hải đã tăng gấp 2-3 lần, thậm chí có thời điểm tăng lên 5 lần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm cước.
 
“Một container 40 feet trước đây vận chuyển đi Địa Trung Hải chỉ 2.000 USD, nhưng nay tăng lên 5.000 USD, thậm chí có thời điểm tăng lên 11.000 USD.
 
Cước vận tải biển tăng quá cao khiến các DN xuất nhập khẩu rơi vào thế bị động, hàng hoá sản xuất ra không xuất được, bị ứ đọng khoảng 30% so với kế hoạch.

Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ đẩy giá thành hàng hóa lên cao, lúc đó người mua không giải phóng được hàng ra thị trường quay lại ép giá DN xuất nhập khẩu Việt Nam”, ông Sâm nói.

{keywords}
Cước vận chuyển Container quá cao, lo hãng tàu bắt tay làm giá

 
Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng hàng hải cho biết, giá cước vận tải biển tăng là do thị trường lệch nhau. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cảng biển quốc tế đóng cửa hoặc hạn chế mở cửa dẫn đến tình trạng hàng hoá bị ứ đọng, không tháo dỡ được container nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt container.
 
Trong khi ở trong nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu nên mất cân đối, không container rỗng để xếp hàng. 
 
Không loại trừ khả năng các hãng tàu bắt tay nhau
 
Ông Sâm cho hay, các hãng tàu đưa ra lý do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các cảng biển quốc tế đóng cửa (hoặc hạn chế mở cửa) nên tàu chở hàng đến châu Âu và Mỹ… không giải phóng được container.

Đặc biệt, Trung Quốc sau khi khống chế được dịch Covid-19 đã tăng cường xuất khẩu nên vỏ container điều tiết về Trung Quốc nhiều dẫn đến tình trạng thiếu container về Việt Nam.

"Việc thiếu hụt container dẫn đến các tàu khó khăn trong việc vận chuyển nên giá cước tăng là đúng thực tế. Tuy nhiên, việc cước vận tải tăng quá cao không loại trừ có yếu tố các hãng tàu bắt tay nhau làm giá", ông Sâm nhận định.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, cục này vừa lập tổ công tác kiểm tra giá cước, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, sau khi giá cước vận tải container hàng xuất khẩu tiếp tục tăng sau Tết.

Tổ công tác (13 thành viên), gồm lãnh đạo Cục Hàng hải và Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo quy định tại Nghị định 146, xử lý vi phạm nếu có.

Cục Hàng hải cũng yêu cầu các hãng tàu phải có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm việc tăng giá vận chuyển container, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay. 

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng hải kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có) trong việc tăng giá cước vận tải và các loại phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu nước ngoài.

Mỗi năm Việt Nam mất 1 tỷ USD vào túi hãng tàu nước ngoài

Mỗi năm Việt Nam mất 1 tỷ USD vào túi hãng tàu nước ngoài

Hiện nay 99% hàng hóa contaner xuất nhập khẩu ở VN rơi vào hãng tàu nước ngoài. Uớc tính mỗi năm VN mất 1 tỷ USD vào túi hãng tàu nước ngoài.

 
Vũ Điệp