- Tôi nói rõ luôn, yêu cầu các bác sĩ mặc thường phục, đeo bảng tên cho gọn gàng. Địa hình thế này không thể cứ mặc áo choàng trắng lướt thướt mà đi cứu hộ được...”, PGS – TS – BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kể lại thời gian cứu hộ vụ sập hầm ở Lâm Đồng.

Toàn cảnh vụ sập hầm làm 12 công nhân mắc kẹt

7h ngày 16/12, hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) sập, 12 công nhân bị kẹt lại trong hầm. Sau 4 ngày, các lực lượng chức năng đang nỗ lực đào hầm giải cứu các nạn nhân.

Cứu hộ bài bản, thần tốc

Trở về sau chuyến công tác từ Lâm Đồng, tham gia cấp cứu thành công cho các nạn nhân vụ sập hầm tại thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy rất phấn khởi vì mọi chuyện diễn tiến thuận lợi.

PGS – TS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người được Bộ Y tế giao quyền trực tiếp chỉ huy công tác cấp cứu tại hiện trường vụ hầm sập tới giờ vẫn còn xúc động.

“Sáng ngày 17/12, ngay khi nhận được chỉ đạo chi viện nhân sự cho vụ sập hầm tại Lâm Đồng của Bộ trưởng Bộ Y tế, anh em chúng tôi chỉ có vẻn vẹn 1 tiếng để chuẩn bị xe cộ, thuốc men. Chúng tôi gồm 3 người, là tôi và hai bác sĩ ở khoa Hồi sức cấp cứu. Tất cả đều mặc đúng một bộ thường phục trên người từ ngày đi cho tới ngày về”, bác sĩ Trường nhớ lại.

Sau khi đoàn cấp cứu đầu tiên khởi hành 1 ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử 4 bác sĩ, do bác sĩ Khôi – Phó Giám đốc bệnh viện tiếp tục lên tiếp ứng.

Sau 6 – 7 tiếng chạy xe ô tô liên tục, lên tới Lâm Đồng các bác sĩ mới thực sự hiểu được tình hình lúc đó khó khăn dường nào.

“Đà Lạt chiều tối khá lạnh, 3 chúng tôi mạnh khỏe mà còn phải dừng lại mua áo khoác, huống hồ các nạn nhân trong hầm ăn mặc phong phanh, ngâm mình trong nước rét buốt. Nghĩ cảnh đó chúng tôi thương lắm!”, bác sĩ Trường nhớ lại.

{keywords}
Bác sĩ Trần Minh Trường kể lại chuyến công tác Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Huyền.

Ngay khi tới hiện trường, bản thân 3 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy vào tận trong đường hầm, cảm giác đầy bất an: “Thực sự chỗ đó chẳng ai muốn vào vì hầm có thể sập tiếp bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm. Nhưng làm công tác cứu nạn mà không vào tận nơi sẽ không hiểu địa hình, không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi lội trong hầm, suốt mấy trăm mét, bùn lầy ngập tới gối, đường đi rất dốc. Lúc đó tôi nghĩ, có cứu được, đưa nạn nhân ra ngoài cũng không phải chuyện đơn giản”.

Bác sĩ Trường được giao quyền chỉ huy về y tế tại hiện trường. Phối hợp công tác cấp cứu còn có sự tham gia của Sở Y tế Lâm Đồng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng và y tế tại 8 huyện gần đó.

Ngay trong đêm đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ sập hầm, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên được kế hoạch, phác đồ điều trị cho không chỉ 12 nạn nhân đang bị kẹt, mà còn có phương án dự phòng cho toàn bộ lực lượng cứu hộ nhỡ tình huống xấu xảy ra.

Bản thân bác sĩ Trường vô cùng cảm phục các chiến sĩ công binh về thái độ làm việc bài bản, kỷ luật và…thần tốc. Chỉ loáng mắt, theo yêu cầu của ngành y tế, các chiến sĩ đã kéo ván, chống đà, dựng xong 3 lán trại, xong cả bậc thang tạm trong các đoạn hầm dốc để vận chuyển nạn nhân dễ dàng hơn. Điện lực cũng vào cuộc, kéo điện thắp sáng chưng.

Những pha tùy cơ ứng biến

Bác sĩ Trường phân công 2 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cắm tại vị trí ngay trước đoạn hầm bị sập, để khi cứu nạn nhân ra, bác sĩ này phải phân loại bệnh, đeo số cho nạn nhân luôn.

Tiếp đó, chốt thứ hai, ở cửa hầm phía bên ngoài sẽ có nhân viên y tế hỗ trợ.

{keywords}
Lực lượng y tế tại hiện trường đang chăm sóc các nạn nhân.

“Tôi nói rõ luôn, yêu cầu các bác sĩ mặc thường phục, đeo bảng tên cho gọn gàng. Địa hình thế này không thể cứ mặc áo choàng trắng lướt thướt mà đi cứu hộ được. Nhiều người cho ý kiến sẽ ghi lại tên bệnh nhân, tôi cũng gạt đi luôn. Bệnh nhân trả lời thế nào được mà hỏi, bút đâu ra mà ghi. Làm sẵn 12 bảng số, ai ra là đeo luôn vào tay, và cứ theo số mà điều trị”, bác sĩ Trường nói về các tình huống ứng biến của đội ngũ y tế.

2 giờ chiều hôm sau, đội ngũ y tế do bác sĩ Trường chỉ đạo còn tổ chức diễn tập, kiểm tra lại cơ số chắn mền, mặt nạ thở, bình truyền dịch.

Ai cũng lo lắng, cho rằng phải mất 3 – 4 ngày nữa mới có thể đưa được nạn nhân ra ngoài, mũi khoan liên tục gặp trục trặc.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi dung dịch dinh dưỡng gồm vitamin và các khoáng chất cần thiết chuyển bằng đường xe khách lên Lâm Đồng, tiếp viện cho các nạn nhân.

Nhớ lại phút giây tiếp tế dinh dưỡng, bác sĩ Trường bật cười: “Đường ống truyền dịch dinh dưỡng chỉ nhỏ bằng ngón tay út, kéo dài tới 30 mét. Nạn nhân trong hầm còn phản hồi ra, bảo ở ngoài cho ăn gì mà chẳng thấy sướng mồm, lại nặng bụng khó tiêu. Tôi chuyển lời động viên, nói các anh em cố ăn cho khỏi đói, bớt lạnh. Rồi cũng đổi qua một bữa cháo, nhưng vẫn yêu cầu anh em phải ăn dung dịch dinh dưỡng.”

“Đang đứng trong lán trại, nghe tiếng rần rần, tôi biết đã có tin mừng. Nhưng ngay lập tức, tôi hét lên, yêu cầu đội ngũ y tế đứng yên tại chỗ, ai được phân công sao cứ thế mà làm. Lực lượng y tế mình mỏng, thấy nạn nhân ra, mừng quá bu hết lại một chỗ là hỏng hết”, bác sĩ Trường kể tiếp.

Tất cả mọi người bị “đứng hình” khi thấy nạn nhân đầu tiên vụ sập hầm đi ra. Anh này tự đi, không cần ai dìu đỡ. Số nạn nhân còn lại nhờ lực lượng cứu hộ dìu, cũng tự đi ra được. Chỉ có một cô gái là yếu nhất, phải khiêng ra.

Các nạn nhân tưởng khỏe là thế, vậy mà ra đến cửa hầm gặp gió, không khí thay đổi nên khuỵu hết. Tại lán trại, họ được các bác sĩ bật đèn sưởi ấm, chăm sóc, truyền dịch.

5 “tướng lĩnh” của đội ngũ y tế lúc đó được giao nhiệm vụ không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mà đi đảo quanh, kiểm tra liên tục để báo cáo kịp thời.

Tất cả các nạn nhân sau khi sơ cấp cứu tại chỗ đã được chuyển bằng xe cứu thương, bàn giao lại cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng.

“Trước tiên phải nói các nạn nhân may mắn được cứu ra kịp thời. Tuy nhiên, đừng tưởng cứu ra được mà đã ổn, khâu cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân sao cho đúng cách cũng vô cùng quan trọng. Để có được kết quả như trên, đó là thành quả của sự phối hợp ăn ý giữa bao nhiêu con người, sự hẫu thuận hết lòng của các cấp lãnh đạo”, bác sĩ Trường nhận định.

Thanh Huyền